'Tôi đã quên mình là người có HIV…'

09:47, 28/11/2008

Có mặt trong buổi sinh hoạt định kỳ của nhóm Tự tin -  nhóm của những người có HIV/AIDS (vào ngày 15 hằng tháng), chúng tôi nhận thấy trong ánh mắt của họ sự đồng cảm, sẻ chia và khát khao được sống một cách hữu ích. Sau hôm đó, tôi đã dành cả một buổi sáng để trò chuyện với Trưởng nhóm Tự tin Nguyễn Mạnh Thường (phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên).

Bộc bạch hết quá khứ nhưng Thường cũng đầy tự tin khi nói với tôi: Tôi đã quên mình là người có H., xác định mình phải sống làm sao cho mọi người quý trọng mình. Và Thường, các bạn của Thường đã làm được điều đó.

 

Con đường dẫn đến … HIV/AIDS

 

Nghiện ma túy lâu nhất ở nhóm có Thường và Tiến. Thường nghiện ma túy từ năm 1989. Khi đó đang là học sinh THPT, Thường theo học võ, cùng học có một số học sinh, sinh viên người Lai Châu, Sơn La mang thuốc phiện theo người, cứ tuần rằm hay mùng một lại lôi ra hút. Lúc đó, thuốc phiện có sẵn nên Thường chỉ biết hút chứ không biết đó là chất gây nghiện mà sau này mình rẫy ra không nổi. Tết năm đó, khi mọi người về quê ăn Tết, Thường  bị hắt hơi và sổ mũi, phải có thuốc phiện mới khỏi, lúc ấy anh mới biết mình nghiện. Thế là lại chép miệng hút tiếp. Hút ở nhà, bố mẹ cũng chẳng biết đó là thuốc phiện để mà can ngăn.

 

Học xong Trường Công nhân Kỹ thuật 3, Thường lang thang trên các bãi vàng và năm 1995 thì bắt đầu chuyển sang tiêm chích ma túy. Tháng 7/1995, bị Công an phường Trung Thành bắt vì sử dụng trái phép chất ma tuý và bị tuyên phạt 9 tháng tù giam. Trong thời gian hoãn thi hành án (đầu năm 1996), Thường vẫn tiếp tục sử dụng  ma  túy. Hẹn đến 15 Tết sẽ thi hành án thì ngày 13 Tết năm 1996,  Thường lại bị bắt vì tội danh này, Tòa đã xử phạt thêm 15 tháng, tổng cộng cả hai lần là 24 tháng tù giam.

 

Khi vào trại giam Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc thì cũng là lúc Thường biết mình nhiễm HIV/AIDS. 23 tháng ở trại giam dù đạt 4 tiêu chuẩn cải tạo tốt nhưng khi ra trại (năm 1998) do chán nản, Thường vẫn tiếp tục nghiện. Gia đình đã đề nghị phường cho đi cai nghiện và Thường là người đầu tiên xung phong mang chiếu, chăn đi cai nghiện nhưng không cai nổi. Anh bảo: "Bản thân người nghiện ở nhà dùng thuốc hỗ trợ  tưởng có thể cai được nhưng khi nhìn thấy "bạn nghiện" là không thể giữ được mình. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ  mở mắt ra là chỉ nghĩ đến tiền với thuốc. Sau đó có lệnh cưỡng chế đi cai nghiện 2 năm của Công an tỉnh nhưng khi được về nhà thì mọi chuyện lại đâu đóng đấy.

 

Quyết tâm cai nghiện

 

Năm 2004, phường Trung Thành mời các đối tượng có tiền sử nghiện ma túy lên nghe truyền thông về tác hại của ma tuý và HIV/AIDS, như tỉnh khỏi cơn mê Thường về nhà mua thuốc Gađinăng quyết tâm cai nghiện.  Anh kể: Gần một tháng nằm liệt ở nhà, chỉ có mẹ phục vụ, cứ ngóc đầu dậy là lại nhắc mẹ đưa thuốc ngủ cho để uống, sợ không uống thuốc thì sẽ không làm chủ được bản thân. Thời gian đầu mỗi lần uống đến 20 viên, mắt và não mờ chẳng nhìn, chẳng biết gì,  ăn uống, vệ sinh cá nhân một tay mẹ lo hết. Sau đó mẹ tôi giảm liều dần đưa lẫn cả B1, B6 để uống mà tôi vẫn không hay. Chỉ đến khi tỉnh hẳn, hai tay bưng được bát cơm ăn rồi mà chẳng dám đi ra ngoài vì sợ phải gặp phải anh em bạn bè…nhỡ nghiện lại thì khổ.

 

Dứt cơn, Thường quyết định về quê Hậu Lộc (Thanh Hóa) 8 tháng liền và lao động như một nông dân thực thụ. Ngoài cày bừa, cấy hái, trồng tỉa và còn đóng hộ anh con bác 2 lò gạch để xây nhà… Mẹ của Thường nói với tôi: Nhà có 4 đứa con, Thường là út, cai nghiện bao nhiêu lần không song. Lần đó, tôi quyết tâm cai cho con bằng thuốc Gadinăng giờ nghĩ lại cũng thấy mình ấu trĩ, đa số là cho uống thuốc ngủ. Cai được ba tháng thì cho về quê, có suất lương 700.000 đồng thì gửi về cho con 400.000 đồng. Cai thành công rồi thì phải tìm việc cho con trai làm. Tết năm 2005, khi Thường quay ra ngoài này, bà đã cùng con trai quây đồi nuôi 200 con gà và ngan, thả cá. Nhờ nuôi gối nên lúc nào nhà Thường cũng có gà để bán, túc tắc mỗi năm cũng thu trên 10 triệu đồng.

 

Sự đồng cảm

 

Đến năm 2007 thì Thường phát bệnh: Sốt, đi ngoài, lên hạch. Đi làm kết quả xét nghiệm, mua thuốc về để điều trị bệnh lao, phổi và uống thuốc "bọc" vi rút. Sau đó, Thường gặp một người bạn làm tuyên truyền viên về HIV/AIDS và qua người bạn giới thiệu, tháng 7/2007, anh đã làm đơn tới Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và được uống thuốc điều trị ARV miễn phí.

 

Với những người có H., ai cũng nghĩ là mình sẽ chết, nhưng qua những buổi sinh hoạt tập thể, Thường đã nói với các bạn là bị HIV/AIDS cũng không thể chết ngay được nếu mình biết cách đề phòng và điều trị  những bệnh nhiễm trùng cơ hội.  Thường đã đưa ra trường hợp của Đinh Ngọc Tuấn, sinh năm 1972, bạn của Thường là một ví dụ.

 

Học xong trường Trung cấp nghề, Tuấn xuống Bắc Ninh làm ở một cơ sở sản xuất thép. Tuấn bị  HIV/AIDS không phải do nghiện ma tuý mà vì quan hệ với gái mại dâm.  Khi điều trị thuốc  Êlêvi, Tuấn đã bị HIV/AIDS giai đoạn cuối. Tháng 3/2008, liền một lúc Tuấn bị rất nhiều bệnh: Lao, nấm, viêm gan B, C, dịch huyết hạch. Qua một người bạn, Thường nhờ các bác sĩ đưa Tuấn về Bệnh viện Việt Nhật, sau đó điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. Khi đưa Tuấn về Hà Nội, mọi người dân trong phường ai cũng nghĩ là Tuấn sẽ chết. Bố mẹ Tuấn cũng đã nghĩ như thế. Sau khi làm các xét nghiệm không có bác sĩ nào dám điều trị theo phác đồ nào. Ca của Tuấn là một ca ưu tiên đặc biệt. Các bác sĩ  "Tây" trước khi điều trị đều phải họp để có phác đồ điều trị riêng. Phải có 3 bác sĩ người nước ngoài, 2 bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai và một số bác sĩ ở bệnh viện khác chẩn đoán bệnh lý.

 

Thường bảo: Em trông Tuấn 1 tháng ở dưới Hà Nội, phải nói rằng Tuấn là người có bản lĩnh. Ngày 5-6 lần đưa đi chiếu chụp, chọc dịch hạch cổ, đầu gối để xét nghiệm, lúc lấy máu kiểm tra gan, lao hay khi các y tá cắm kim truyền chệch ven nó cũng vẫn chịu đựng. Niềm tin và sự ham sống của Tuấn khiến bệnh tình cũng phải chào thua. Chị biết không, cả tháng em ở với Tuấn dưới Hà Nội, thấy em chăm sóc Tuấn, các bác sĩ ở Bệnh viện bảo em ở lại làm nhân viên của Bệnh viện để chăm sóc cho những người có H. điều trị. Nhưng em còn rất nhiều việc phải làm, không thể xuống dưới đó được.

 

Khi mới đến sinh hoạt ở nhóm, nhiều người vẫn nghĩ là bị HIV/AIDS là cầm chắc cái chết, nhưng trường hợp của Tuấn đấy, vẫn sống khoẻ mạnh nên giờ nhiều người đã thay đổi cách nghĩ về căn bệnh HIV/AIDS này và cũng đã bớt đi nhiều sự kỳ thị.    

 

Nơi để sẻ chia

 

Nhóm Tự tin do Thường làm Trưởng nhóm hiện có gần 40 thành viên, phần lớn bị nhiễm HIV đều do  nghiện ma túy, trong nhóm có 14 người phụ nữ do lây nhiễm HIV từ chồng. Trong buổi sinh hoạt đầu tiên (5/6/2008) tại nhà Thường, 18 thành viên trong nhóm có mặt đầy đủ cùng với đại diện các đoàn thể của phường, tổ dân phố. Ban đầu cũng có rất nhiều lời ong tiếng ve bởi những thành viên của nhóm hầu hết là đối tượng nghiện ma túy. Nhiều người dân sống trong khu vực này cũng thành kiến với người có H. bởi họ nghĩ mình tụ tập ở đây để làm những điều xấu... Song chú Thiện ở Trung tâm Y tế dự phòng T.P Thái Nguyên đã viết thư tay cho lãnh đạo phường đề nghị ủng hộ hoạt động của bọn em… Không như mọi người nghĩ, những người có H. chúng em không gầy gò, ốm yếu hay chán nản, và nhiều người đã đến đây và coi đây như là gia đình của mình.

 

Có mặt trong buổi sinh hoạt định kỳ của nhóm Tự tin,  tôi nhìn thấy trong ánh mắt của họ sự đồng cảm, sẻ chia và khát khao được sống hữu ích. Sự gần gũi và cảm thông giữa những người có H. được thể hiện rất rõ qua từng ánh mắt và cử chỉ. mọi người rất tự nhiên giới thiệu để làm quen với nhau đồng thời nói nguyên nhân vì sao mình có H. Qua lời giới thiệu, chúng tôi thấy có những người có "thâm niên" nhiễm HIV, nhưng cũng có người chỉ mới phát hiện ra mình có H. cách đây hơn hai tháng… Buổi sinh hoạt hôm đó thật là sôi nổi, đúng như tên gọi của nhóm, mọi người rất tự tin nói về sự hiểu biết của mình, không có khoảng cách hay sự ngại ngần giữa những người mới đến cũng như với khách lạ… 

 

Thường bảo với tôi: Cho đến giờ, nhiều người vẫn nghĩ là em nghiện bởi em vẫn thường tiếp xúc với những đối tượng này, để phát bơm kim tiêm và tuyên truyền cho họ biện pháp và cách phòng tránh cho bạn bè và người thân của mình. Họ biết Thường đã cai nghiện được cũng hỏi xem cách cai như thế nào, nhiễm HIV có chết không. Có những người khi tiếp cận điều trị ARV đã khóc và bảo: Điều trị ARV như thế hết vài triệu đồng thì em lấy đâu ra tiền. Bản thân họ không biết rằng điều trị ARV miễn phí…Sinh hoạt với nhóm, chúng em thường tổ chức giao lưu hoặc mời các thành viên nhóm khác chia sẻ thông tin. Như hôm vừa rồi, bạn Nguyễn Hải Yến, Trưởng nhóm Vì ngày mai tươi sáng và các thành viên trong nhóm đã chia sẻ với nhau về cách phòng tránh lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Ngoài ra, bọn em thường tạo điều kiện cho các thành viên trong nhóm tham gia các buổi tập huấn ở tỉnh, thành phố…

 

Hạnh phúc mỉm cười

 

Là trưởng nhóm, công việc cũng khá bận rộn bởi không chỉ các bạn trong nhóm, mà những người có H., nếu có vấn đề gì về bệnh tật, Thường vẫn nhiệt tình tư vấn giúp. Có những người cũng chẳng dám chia sẻ nhưng chỉ khi nói chuyện, nắm được triệu chứng bệnh lý Thuờng đã hướng dẫn cho họ, thậm chí còn đi lấy thuốc hộ hoặc gọi điện về hỏi bác sĩ Điền, bác sĩ Thuỷ ở Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn cách điều trị. Ngoài ra, Thường còn tham gia vào Ban điều hành liên minh (của 13 nhóm).

 

Khi tôi hỏi chuyện riêng tư, Thường nói ngay: Bạn gái em là người bình thường, năm nay 36 tuổi, không có H. Khi chưa yêu, bạn ấy cũng nghi ngờ em vẫn sử dụng ma tuý nên tìm mọi cách để thử. Em bảo với cô ấy rằng: Thuốc phiện thì nhiều nhưng anh không sử dụng, đã thương nhau thì phải tin nhau mới có thể tạo dựng được hạnh phúc lâu dài

 

Ban đầu gia đình cô ấy cũng ngăn cấm nhưng cô ấy đã kiên quyết bảo vệ tình yêu của bọn em. Riêng mẹ em thì bảo: Miễn sao hai đứa hạnh phúc.

 

***

 

Thường đã nói với tôi rất thật suy nghĩ của mình: Em đã quên mình là người có H.,  xác định mình phải sống làm sao cho mọi người quý trọng mình. Thường đã truyền sang cho những thành viên trong nhóm, những người như Tuấn, Tiến và các thành viên khác của nhóm niềm tin vào cuộc sống.