Vốn đến với người nghèo

16:26, 09/11/2008

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hội viên phụ nữ nghèo, mỗi phụ nữ xã Phấn Mễ, Phú Lương đều lựa chọn một cách làm riêng để đầu tư phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình, từng bước thoát nghèo.

 

Cả xóm Bún 1, xã Phấn Mễ (Phú Lương) ai cũng nể phục cách lựa chọn hướng phát triển kinh tế và nghị lực vươn lên của gia đình chị Nông Thị Thái. Trước năm 2000, gia đình chị Thái rất nghèo, 4 con nhỏ, nhà  chỉ có vài sào ruộng, vài sào chè đồi giống cũ năng suất thấp, đồi trồng keo hiệu quả kinh tế không cao... vợ chồng anh chị làm quần quật từ sáng đến tối cũng chỉ đủ ăn. Năm 2001, chị Thái được vay 2,5 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho phụ nữ nghèo. Chị nghĩ, đất đồi rộng đã trồng nhiều cây nhưng không mấy hiệu quả, có thể hạ thấp độ cao để tránh xói mòn, lật bỏ phần đất bề mặt cằn cỗi, bạc mầu thành phần đất mới có khi lại phù hợp để phát triển cây chè. 2,5 triệu đồng vốn vay cùng với mượn bạn bè, họ hàng chưa đầy chục triệu không đủ tiền để san đồi kia. Bàn đi tính lại, anh chị quyết định đầu tư số vốn đó để làm lò gạch vừa tận dụng  đất thừa vừa hạ thấp độ cao của núi đồi...

 

Năm đầu tiên sản xuất, gia đình chị làm được trên 2 vạn viên gạch, đến nay đã tăng lên 60 vạn viên/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng. Chị Thái cho biết: Thời gian mới làm cũng có lò chỉ đạt 30-40% gạch loại 1, nhưng đến nay gạch loại 1 đạt trên 95%, gạch màu đẹp, chắc, không dính xỉ. Để làm được như vậy, yếu tố quan trọng nhất trộn than và xếp lò. Các khâu khác trong sản xuất gạch gia đình có thể thuê, riêng việc đóng than và xếp lò anh chị tự làm. Chính từ kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm sản xuất nên gạch của gia đình chị Thái làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

 

Năm 2003, gia đình chị đã thoát nghèo và hiện nay là một trong những hộ có thu nhập khá của xóm Bún 1. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh chị có thu nhập trên 70 triệu đồng. Từ đó, anh chị có điều kiện cho 4 con học hành, các cháu đã học hết phổ thông, trong đó có 2 con đang học chuyên nghiệp ở T.P Thái Nguyên. Thấy gia đình chị Thái làm gạch hiệu quả nhiều hộ dân trong xóm cũng chuyển sang làm gạch. Hiện nay, xóm có 98 hộ thì có trên 50 hộ sản xuất gạch. Nhất là thời điểm cuối năm 2007, đầu năm 2008 giá cả tăng cao, gạch bán được giá (cao điểm nhất bán tại lò là 1.700 đồng/viên), nhờ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo, hiện nay cả xóm chỉ còn 7 hộ nghèo (chủ yếu do không có sức khoẻ, neo đơn...).

 

Cũng ở xóm Bún 1, chị Phạm Thị Đường là hội viên phụ nữ nghèo được vay 5 triệu đồng với lãi suất ưu đãi trong thời gian 3 năm từ tháng 4-2008, cùng với số tiền dành dụm của gia đình chị đã mua cặp trâu mẹ con vừa để sinh sản vừa để lấy sức kéo. Vì hai vợ chồng anh chị sức khoẻ yếu (bản thân chị bị thần kinh toạ đã hơn 30 năm nay), các con lại đi làm ăn xa nên 9 sào ruộng của gia đình đều phải thuê cày bừa, mỗi vụ mất trên 1 triệu đồng. Bây giờ phân bón đắt đỏ lại nên làm ruộng chỉ lấy công làm lãi mà công lại đi thuê thì không còn là bao. Hy vọng có sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, gia đình chị Đường sẽ từng bước thoát nghèo.

 

Từ cách lựa chọn và sử dụng vốn vay của hội viên phụ nữ ở Phấn Mễ, năm 2007, xã có trên 100 hộ thoát nghèo, trong đó có trên 20 hộ do phụ nữ làm chủ hộ. Chị Mai Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Hiện nay, Hội Phụ nữ xã đang quản lý 1,8 tỷ đồng vốn vay, trong đó có 1,2 tỷ đồng vốn cho 120 hội viên phụ nữ nghèo vay để phát triển kinh tế; 500 triệu đồng vốn nước sạch, vệ sinh môi trường cho 250 hội viên phụ nữ ở 9 xóm được vay để xây dựng các công trình vệ sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường như: Giếng nước (hiện nay hầu hết các hộ dân đều dùng giếng đất), nhà tắm, nhà vệ sinh... phấn đấu hết năm 2008, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tháng 10 vừa qua, Hội Phụ nữ xã đã giải ngân 65 triệu đồng nguồn vốn học sinh sinh viên cho 17 hộ vay để tạo điều kiện cho các cháu học tập.