Xét xử lưu động: Biện pháp tuyên truyền pháp luật hữu hiệu

09:51, 09/11/2008

Xét xử lưu động các vụ án hình sự không chỉ đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật mà còn là một giải pháp tuyên truyền hữu hiệu để nâng cao nhận thức cho nhân dân về pháp luật. Hoạt động này đã, đang được tỉnh Thái Nguyên triển khai...

Đã hơn 5 lần, chúng tôi được dự phiên toà xét xử lưu động các vụ án hình sự của Tòa án Nhân dân tỉnh, Tòa sơ thẩm của các huyện, thành, thị và điều nhận thấy rõ nhất ở các phiên tòa này là tính nghiêm minh của pháp luật được thể hiện; quy trình xét xử được thẩm phán và đại diện các cơ quan tham gia tố tụng khác thực hiện nghiêm túc. Điều quan trọng hơn là ở những phiên xét xử lưu động, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên đã dành nhiều thời gian để giải thích pháp luật với bị cáo, người bị hại, người liên quan và quần chúng nhân dân có mặt tại phiên tòa.

 

Đơn cử, 3 năm trước, tại khu vực xóm Thanh Xuyên, xã Trung Thành (Phổ Yên) rất bức xúc về nạn mại dâm và Tòa án Nhân dân tỉnh đã tổ chức một phiên xét xử về tội môi giới, tổ chức bán dâm mà bị cáo chính là người của địa phương này. Phiên toà được thực hiện đúng theo quy trình, đại diện các cơ quan tham gia tố tụng chuẩn bị kỹ về chuyên môn và người dân địa phương đến dự rất đông. Thẩm phán Nguyễn Văn Ánh (hồi đó là Phó chánh toà Hình sự của Toà án Nhân dân tỉnh) đã xét xử công minh, đúng người, đúng tội nên những người có mặt tại phiên toà hôm đó rất đồng tình. Trong quá trình xét xử, thẩm phán này còn giải thích, tuyên truyền chi tiết, cụ thể về tội môi giới, tổ chức bán dâm mà Luật quy định. Sau phiên tòa xét xử lưu động nêu trên, tệ nạn mại dâm ở Thanh Xuyên đã không còn hoạt động công khai, đối tượng bán dâm và tổ chức bán dâm giảm nhiều so với trước đó.

 

Vào đầu tháng 7-2008, chúng tôi lại được Toà án Nhân dân T.P thái Nguyên mời dự 2 phiên toà xét xử lưu động về các tội mua bán, tàng trữ trái phép các chất ma tuý tổ chức tại trụ sở UBND phường Quang Vinh với lý do phường này là điểm nóng về tệ nạn buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý. Tại phiên tòa, đại diện các cơ quan tham gia tố tụng đã nhấn mạnh về mức độ nguy hiểm của ma tuý đối với xã hội và những hình phạt thích đáng của pháp luật cho những kẻ cố tình vi phạm...

 

Thấy rõ được tác dụng của việc xét xử lưu động nên trong những năm gần đây, Toà án Nhân dân tỉnh và toà sơ thẩm của các huyện, thành, thị đã tăng số vụ án xét xử lưu động lên từ 1% tới 5% mỗi năm với mục đích góp phần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật tới nhân dân. Riêng T.P Thái Nguyên trong 8 tháng năm 2008 đã tổ chức xét xử lưu động được 24 vụ án hình sự/27 bị cáo, tăng gần 50% so với cùng năm trước. Tòa Hình sự (Tòa án Nhân dân tỉnh) trong 10 tháng năm 2008 đã tiến hành xét xử lưu động được 13 vụ án/24 bị cáo, tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm trước. Theo đồng chí Nguyễn Thị Lan Phương, Phó chánh tòa Hình sự (Tòa án Nhân dân tỉnh) thì xét xử lưu động tốn kém về kinh phí và vất vả cho cán bộ của các cơ quan tố tụng, nhân chứng, người liên quan vì toàn bộ phiên tòa phải di chuyển tới tận cơ sở. Song, để công tác xét xử và tuyên truyền pháp luật đều đạt hiểu quả nên đơn vị vẫn thường xuyên thực hiện.

 

Những mặt tích cực của hoạt động xét xử lưu động đã rõ, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại nảy sinh những khó khăn như: Sự phối hợp, tạo điều kiện của một số chính quyền phường, xã với cơ quan toà án khi thực hiện xét xử lưu động chưa thật sự trách nhiệm; kinh phí hỗ trợ cho các phiên xét xử lưu động còn quá thấp nên chế độ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp đi làm việc này không bảo đảm. Việc tổ chức xét xử lưu động ở các xã vùng sâu, vùng xa không thực hiện được nhiều.

 

Trong công tác tuyên chuyên môn cũng nảy sinh một số hạn chế như: Tỷ lệ số vụ án xét xử lưu động còn chiếm quá nhỏ so với tổng số vụ án hình sự mà Tòa án Nhân dân tỉnh, Tòa án Nhân dân 9 huyện, thành, thị thụ lý giải quyết hàng năm; những vụ án xét xử lưu động thường không quá phức tạp và không thuộc diện án đặc biệt nguy hiểm nên tính giáo dục, tính cảnh báo với nhân dân cũng chỉ ở mức độ... Từ những vấn đề nêu trên, theo chúng tôi, HĐND tỉnh và HĐND các huyện, thành, thị nên tiếp tục tăng chỉ tiêu xét xử lưu động cho tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm, có cơ chế xứng đáng cho những cán bộ trực tiếp đi làm để khuyến khích cán bộ của cơ quan tham gia tố tụng trong hoạt động xét xử lưu động. Về phía các cơ quan tham gia tố tụng cũng cần cử những cán bộ có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp khi tham gia xét xử lưu động để đảm bảo tính nghiêm minh, tính giáo dục và đặc biệt là không xảy ra những sự cố ngoài ý muốn ngay tại phiên tòa.