Nhiều năm qua, đội ngũ y tế thôn bản (YTTB) được coi là "cánh tay nối dài" của ngành Y tế, hoạt động của đội ngũ này đã giúp ích rất nhiều cho cán bộ y tế xã, phường trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động của y tế thôn bản đang ngày càng lắng xuống, bởi họ chưa được quan tâm đúng mức…
Hiện Thái Nguyên có 3.022 YTTB hoạt động tại các xóm, bản, hầu hết các xóm bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn cũng đều đã có YTTB. Tuy nhiên hiện nay, có một thực tế đáng buồn là hoạt động của đội ngũ YTTB đang ngày càng mờ nhạt, sự nhiệt tình giảm đi trông thấy, một số nơi đã có YTTB xin thôi không làm nữa, nguyên nhân của tình trạng này là do chế độ phụ cấp cho YTTB quá thấp, bên cạnh đó Nhà nước chưa có chính sách để khuyến khích cũng như hỗ trợ cho YTTB nên nhiều người không muốn làm.
Bác sỹ Hà Văn Quyền, Trưởng phòng Y tế huyện Võ Nhai cho biết: Võ Nhai hiện có 172 xóm trong đó 154 xóm có YTTB hoạt động, hàng tháng mỗi YTTB được Nhà nước hỗ trợ 40.000 đồng, thời gian đầu đội ngũ này hoạt động rất đều và nhiệt tình, tuy nhiên 2 năm trở lại đây chất lượng hoạt động kém đi trông thấy, trạm y tế các xã cũng rất khó điều hành vì phụ cấp trả cho YTTB quá thấp. Theo nhận định của ông Hà Văn Quyền, nếu Nhà nước không có sự quan tâm đúng mức thì sẽ khó có thể duy trì lâu dài hoạt động của đội ngũ YTTB, hoặc nếu có duy trì được thì chất lượng hoạt động cũng không cao.
Để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của những người trong cuộc, chúng tôi đã gặp chị Nguyễn Thị Thảo, YTTB xóm 9, Thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), chị cho biết: Từ năm 2004 đến nay, chị tham gia công tác YTTB tại xóm, công việc được giao khá nhiều, chủ yếu là các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng, tuyên truyền VSMT, vệ sinh ATTP, hướng dẫn người dân dùng thuốc đúng chỉ định của bác sỹ... Địa bàn của xóm rộng, từ trung tâm xóm đến hộ xa nhất mất khoảng 30 phút đi xe đạp, mỗi lần triển khai chương trình hoặc vận động người dân đến trạm y tế là mất cả buổi sáng, có trường hợp người dân không chịu ra trạm, YTTB phải đi vận động 2 đến 3 lần mới được, chưa kể các công việc đột xuất hoặc tranh thủ thời gian lúc rảnh rỗi, hàng tháng chị phải dành 4 đến 5 ngày để thực hiện công việc của YTTB. Công việc nhiều nhưng phụ cấp cho chị quá thấp, thường thì mỗi ngày đi hái chè, chị được trả 50.000 đồng tiền công, trong khi đó phụ cấp cả tháng của YTTB mới được có 40.000 đồng. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, chị tâm sự: Vì sức khỏe cộng đồng nên tôi vẫn nhiệt tình tham gia công tác YTTB chứ nếu vì thu nhập chắc tôi đã thôi từ lâu rồi. Ngoài phụ cấp, Nhà nước chưa có chế độ ưu đãi đối với YTTB, ngay cả đến túi dụng cụ y tế trang bị cho tôi, đến nay đã hỏng gần hết mà vẫn chưa được thay thế nên rất khó khăn trong công việc, đôi khi cũng thấy nản lòng. Tâm tư của chị Thảo cũng giống như tâm tư của nhiều YTTB ở các xã: Sảng Mộc, Nghinh Tường (Võ Nhai) phản ánh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Thức, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết: Việc duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ YTTB rất cần thiết đối với ngành Y tế và nhất là đối với y tế cơ sở. Đội ngũ YTTB là những "nhịp cầu" đưa các chương trình y tế đến với người dân, nếu thiếu họ, y tế tuyến xã sẽ không theo dõi được sát sao tình hình bệnh tật và sức khỏe của cộng đồng.
Về vấn đề phụ cấp cho YTTB, theo quyết định số 27/2008 QĐ-TTG ngày 5-2-2008 của Thủ Tướng Chính phủ, YTTB ở xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng 50% mức lương cơ bản hiện tại (270.000 đồng/tháng), YTTB ở các xã còn lại chưa được hưởng mức phụ cấp này. Đối với hoạt động của YTTB, trạm y tế các xã, phường, thị trấn trên địa bàn cần xem xét cụ thể, nếu thấy phù hợp thì nên lồng ghép CTV dân số và YTTB để nâng cao hiệu quả công tác.
Trong việc đào tạo nhân viên YTTB, hiện tại tỉnh mới chỉ hỗ trợ kinh phí cho giảng viên và tiền tài liệu cho học viên, những người được xã cử đi đào tạo YTTB phải tự túc tiền ăn, ở trong thời gian học tập, đối với các xóm ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thì đây là điều rất khó, vì thế tỉnh cần xem xét đến chính sách hỗ trợ tiền ăn, ở để giảm bớt khó khăn cho YTTB. Bên cạnh đó tỉnh cần quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ, có chính sách ưu tiên về bảo hiểm y tế cho những người đang làm YTTB tại các xóm để khuyến khích, động viên họ tham gia tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.