Cán bộ là gốc của phong trào

09:55, 11/12/2008

Từ năm 2000 trở về trước, Xuân Phương, Phú Bình chưa có nổi 1m đường bê tông, điện, đường, trường, trạm hết sức khó khăn, nhưng từ năm 2001 đến nay, được nhân dân đồng tình hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia góp công, góp của xây dựng cơ sở hạ tầng, Xuân Phương đã hoàn toàn "thay da, đổi thịt".

Có được kết quả đó là do địa phương đã thực hiện tốt công tác vận động. Tại các cuộc họp, đồng chí Đồng Song Hào, Bí thư Đảng ủy xã thường nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Để vận động tốt, trước hết phải gần dân…" Muốn thành công thì điều cốt yếu là ở cán bộ.

 

Nói về những khó khăn trong những ngày đầu phát động phong trào, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xã Xuân Phương có 14 xóm, trên 7.600 nhân khẩu, trong đó có 262 đảng viên. Trước đây, do nhận thức của phần đa người dân còn thấp và tư tưởng thì mang nặng tính cục bộ nên người dân trong xã ngầm chia làm 2 miền: Miền Xuân La gồm 4 xóm và miền Phương Độ gồm 10 xóm. Do không có sự đoàn kết toàn dân, nên việc vận động đóng góp để làm các công trình chung là rất khó khăn. Đơn cử như con đường từ Quốc lộ 37 vào UBND xã gồm 3km, từ năm 2000, xã đã nhiều lần vận động nhưng, các xã miền Xuân La cho rằng họ không được hưởng lợi nhiều như các xóm miền Phương Độ nên đã không đồng tình đóng góp. Các thành viên trong Ban chỉ đạo, Ban vận động và đảng viên là những người đầu tiên thực hiện, rồi đến những người dân gương mẫu và sau cùng là vận động toàn dân tham gia. Sau gần 1 năm, đến từng nhà, gặp từng người để giải thích, cuối cùng 100% hộ dân đã tham gia đóng góp với tổng số tiền 450 triệu đồng cùng ngày công lao động. Năm 2001, con đường được thi công và đầu năm 2002 đã chính thức đưa vào sử dụng. Được đi trên con đường bằng phẳng, người dân càng thấm thía ý nghĩa to lớn của tinh thần đoàn kết.

 

Hoàn thành 3km đường bê tông đầu tiên, xã tiếp tục lập kế hoạch phát động phong trào toàn dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhưng trong quá trình vận động đã gặp phải rất nhiều khó khăn nên trong suốt 4 năm, thường xuyên đề cập vấn đề này trong các cuộc họp xóm, nhưng xã vẫn không triển khai thêm được công trình nào. Chỉ tới khi xã phát động Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (năm 2007). Ban chỉ đạo đã thay đổi cách thức vận động, không chỉ tuyên truyền trong các cuộc họp xóm, mà từng cán bộ phải gặp từng người để tìm hiểu nguyên nhân người dân không đồng tình. Qua tìm hiểu mới hay rằng, không phải nhân dân không biết xây dựng kết cấu hạ tầng là để phục vụ chính mình mà điều họ lo ngại là ở chỗ: Số tiền đóng góp có được công khai minh bạch hay không? Nắm bắt được tâm tư này, Ban vận động các xóm đã cử những người có uy tín đứng ra thu tiền. Trong quá trình mua vật liệu, dù ít hay nhiều, cũng đều được đưa ra công khai trước dân, có ghi chép sổ sách đầy đủ, từ đó đã tạo được niềm tin trong nhân dân.

 

Từ cách thức này, năm 2007, xóm Giữa đã xây dựng được nhà văn hóa với tổng trị giá trên 60 triệu đồng và trên 200 công lao động, 100% do nhân dân đóng góp. Đồng chí Dương Văn Chính, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Năm 2008, xóm tiếp tục vận động nhân dân đóng góp thêm trên 20 triệu đồng để xây dựng hệ thống tường rào bao quanh nhà văn hóa. Cũng trong năm 2008, với chủ trương, cán bộ, đảng viên làm trước, sau đó vận động nhân dân làm theo, xóm đã vận động được trên 30 hộ dân hiến trên 2.000m2 đất để mở rộng con đường của xóm, đồng thời nhân dân đã đóng góp ngày công để san lấp mặt bằng đường.

 

Toàn xã có khoảng 11km đường liên xóm thì hiện đã bê tông hóa được khoảng 60%. Các xóm đã làm xong là: Quang Trung, Hòa Bình, Thắng Lợi, Đoàn Kết, các xóm còn lại đang hoàn thiện và tiếp tục vận động. Tân Sơn 9 là một trong những xóm làm tốt phong trào làm đường bê tông. Xóm có 3km đường, đến nay đã bê tông được 1,5km, dự kiến đến đầu năm 2009 sẽ hoàn thành nốt phần còn lại.

 

Nhờ làm tốt công tác vận động, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm (từ năm 2007 đến nay), Xuân Phương đã khoác cho mình một tấm áo tươi mới hơn. Kết quả này cho thấy lời dạy của Bác thật chí lý, chí tình...