Cần sớm thực hiện giải pháp cho nông dân vùng bán ngập

08:53, 01/12/2008

Công trình thủy lợi hồ Núi Cốc đang trong giai đoạn trữ nước để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên. Bởi thế nhiều xã trong vùng bán ngập của huyện Đại từ đang chịu ảnh hưởng bởi mực nước dâng…  

Chúng tôi về xã Lục Ba (Đại Từ) đúng mùa nước lên, qua các xóm Hồng Thái, Đồng Mưa, Đầm Giáo mong nhìn mấy một thửa ruộng tươi tốt thật khó, ruộng đồng đã ngập dưới nước sâu, xa xa những bác chài đang mải miết với việc đánh bắt tôm cá trong những ngày nước lên. Khoảng 20% số hộ ở những xóm trên hoàn toàn không có ruộng để sản xuất, trong những ngày nông nhàn, phần lớn số lao động dư thừa trong xã phải đi làm thuê ở các xã lân cận, hoặc trong và ngoài huyện, công việc bấp bênh, nên cũng chỉ bữa đói bữa lo.

 

Tôi đứng trên bờ cố chờ  một chiếc thuyền con đang ghé bến, sau tiếng thở dài, bác Vinh (người chèo thuyền) hững hờ mở chiếc giỏ cho tôi nhìn vào, vài con tôm, con tép lẫn những chú cá con. -Không có ruộng để cấy cầy, chẳng biết làm gì hơn là đi đánh bắt mấy con tôm con cá ven theo hồ Núi Cốc cho đỡ buồn thôi, chứ bán buôn gì đâu chị. Người ta thuyền lớn, lưới lớn còn chẳng ăn thua. Tôi chỉ đi cho vui, góp phần vào bữa ăn hàng ngày…

 

Thấy bác Vinh có vẻ mệt mỏi, nên chúng tôi cũng không hỏi nhiều chuyện, đem tâm sự chia sẻ với đồng chí Trần Đức Tuân, Chủ tịch UBND xã Lục Ba. Đồng chí Tuân cho biết: Lục Ba là một xã thuần nông, thương mại dịch vụ không phát triển, không có nghề phụ, hơn 1.000 hộ dân lại chỉ có 75,1 ha đất ruộng nhưng lại không bằng phẳng, mùa nước lên như hiện nay thì diện tích ít ỏi đó lại bị thu hẹp chỉ còn khoảng 65 ha. Dù chúng tôi đã cố gắng rất nhiều, tích cực đưa tiến bộ KHKT áp dụng vào đồng ruộng nhưng vẫn chưa đủ sức vực dậy một xã nghèo với các điều kiện tự nhiên không thuận lợi như Lục Ba.

 

Với địa hình đồi núi thấp, mấp mô, lại bị nước hồ Núi Cốc bao phủ phần lớn diện tích; đồng ruộng đã ít lại khó cấy cầy, có đám ruộng chỉ có thể cuốc chứ không sử dụng được cầy, bừa. Xã cũng đã tích cực phối hợp với các phòng chức năng của huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn giao KHKT trong thâm canh chè, đưa các giống lúa lai cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, phát triển chăn nuôi lợn, đào tạo nghề, phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn sản xuất…  nhưng sự chuyển biến ở đây rất chậm. Một phần là do trình độ, nhận thức, một phần cũng là do yếu tố khách quan: Đất chật, người đông, nông dân mà lại không có đất canh tác thì làm việc gì cũng rất khó. Đường xá đi lại khó khăn, cả xã chưa có một mét đường bê tông nào. Con đường từ trung tâm huyện vào xã cũng mới được đầu tư nâng cấp... Chính vì vậy, Lục Ba vẫn luôn là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đại Từ, chỉ tiêu giao ngân sách cân đối có 62 triệu đồng/năm, nhưng cũng là một sự chật vật đối với chính quyền nơi đây, bởi xã không có nguồn thu; bình quân thu nhập tính theo đầu người mới đạt 350.000 đồng/người/tháng. Số hộ nghèo theo chuẩn mới chiếm tới 26,8%.

 

Đồng chí Tuân nhận định, sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành điều tra, rà soát lại số hộ nghèo và cận nghèo, dự báo con số sẽ vượt qúa 50% số hộ trong xã. Lo cho dân, thương dân, nhưng những người cán bộ như chúng tôi cũng có những vấn đề cần giải quyết nằm ngoài khả năng, "lực bất tòng tâm".

 

Vấn đề giải quyết ruộng đất cho người nông dân sản xuất, đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cấp, bộ ngành. Khó khăn của Lục Ba cũng là cái khó khăn chung của các xã nằm trong vùng bán ngập hồ Núi Cốc như Vạn Thọ, Tân Thái... Xã Lục Ba đã nhiều lần được đón tiếp các tổ công tác về đo đạc, xem xét, tổng hợp các hộ bị ảnh hưởng để thực hiện Dự án di dời các hộ dân ra khỏi vùng lòng hồ Núi Cốc, nhưng thời gian cứ trôi, còn người dân thì vẫn đang phải chờ đợi.

 

Một xã thuần nông mà diện tích đất canh tác lúa đã ít, lại không thuận lợi, thì bài toán phát triển kinh tế quả là quá khó đối với cấp uỷ chính quyền nơi đây. Bao đời nay sự sinh tồn của người nông dân là gắn bó với đồng ruộng. Nên giải pháp di dời các hộ dân bị ảnh hưởng ra khỏi vùng bán ngập, tạo điều kiện phân bổ những vùng đất đai hợp lý cho người nông dân sản xuất sẽ là giải pháp tối ưu.