Lạm phát ảnh hưởng rõ nhất đến thu nhập của những người làm công ăn lương. Cùng với việc xét giảm thuế, đối tượng này cần được tăng lương trong năm 2009.
GS. TS Vũ Đình Bách - Chủ tịch Hội đồng kinh tế (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đưa ra phân tích, với mức lạm phát 20% thì người có thu nhập từ lương 1 triệu đồng sẽ mất 200 nghìn đồng. Lạm phát ảnh hưởng nhiều nhất, rõ nhất đến những người làm công ăn lương, vì thu nhập của họ chỉ có ở một con số cố định, lạm phát tăng bao nhiêu phần trăm thì lương của họ sẽ mất đi một phần tương ứng.
Thời điểm Luật thuế thu nhập cá nhân đã rất gần. Bộ Tài chính đã chính thức khẳng định sẽ không có chuyện lùi thời điểm chịu thuế đến 1/7/2009. Bộ này đang nghiên cứu trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm, giãn thuế cho một số đối tượng… Những đối tượng nào sẽ được giãn, giảm thuế thì chưa được Bộ Tài chính công bố chính thức.
Nên nâng mức khởi điểm chịu thuế
Số người làm công ăn lương sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ khi nộp thuế thu nhập cá nhân trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế nhận định trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, người dân nghèo, những người làm công ăn lương sẽ trực tiếp chịu khó khăn nhất. Ở các nước, người ta cũng làm nhiều cách để hỗ trợ người dân. Còn ở nước ta, Chính phủ đang xem xét trình Quốc hội hoãn thu thuế thu nhập cá nhân với một số đối tượng.
“Tôi hy vọng là Chính phủ có tính toán cụ thể để đề xuất lên Quốc hội chấp thuận giảm thuế đối với những người có thu nhập chỉ từ lương. Mong sao việc giảm thuế cho người làm công ăn lương được chấp thuận càng sớm càng tốt” bà Phạm Chi Lan nói.
Bà Chi Lan phân tích: Ngay từ khi đưa ra thuế thu nhập cá nhân từ năm trước thì có nhiều ý kiến về mức thu nhập bao nhiêu thì đóng thuế, còn những người thuộc đối tượng phụ thuộc, thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng mới được giảm trừ thì có thấp không?... Tất cả những quy định đó so với thời giá bây giờ được xem là khá là lạc hậu. Ngay từ lúc đề xuất góp ý xây dựng Luật này, có nhiều người đã đề xuất không nên để mức khởi điểm chịu thuế cứng nhắc hay tỷ lệ khấu trừ cố định vì giá cả có thay đổi. Quả thật là ở nước ta, với mức lạm phát lên trên 20%, giá cả từ năm ngoái đến năm nay đã thay đổi rất nhiều.
Chia sẻ quan điểm với bà Chi Lan, Luật sư Hoàng Huy Được, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Thời điểm xây dựng luật, kinh tế tương đối ổn định. Còn hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam mà kinh tế thế giới suy thoái, đời sống những người làm công ăn lương rất khó khăn, nếu có thu nhập đến mức chịu thuế thì cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Để hỗ trợ người dân lúc này, luật sư Được đề xuất Chính phủ cần phải tính toán và trình Quốc hội xem xét nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 5 hoặc 6 triệu đồng thay vì mức 4 triệu đồng như luật quy định để giảm thuế cho người dân.
Bà Chi Lan cũng đề xuất: Chính phủ nên xem xét nâng mức khởi điểm chịu thuế lên cao hơn mức 4 triệu đồng/ tháng như Luật quy định. Hoặc tính toán để hạ thuế suất xuống. Bà Chi Lan ví dụ: “Một người có thu nhập 5 triệu đồng/ tháng, nếu không phải nuôi ai thì mức thuế là 2% tức là phải nộp 20 ngàn đồng, thay vì 5% phải nộp 50 ngàn đồng như Luật quy định. Riêng giảm trừ gia cảnh, tiêu chuẩn để xét người phụ thuộc hết tuổi lao động nhưng có thu nhập dưới 500 ngàn đồng cũng cần phải xem xét lại. Mức 500 đồng/tháng thì quá thấp, mức này thấp hơn cả mức chuẩn nghèo mà Chính phủ quy định (570.000 đồng/ tháng)”.
Luật sư Được giải thích thêm: “Thực tế, khi luật chưa có hiệu lực nhưng tình hình kinh tế biến đổi thì đề nghị giãn, hoãn hoặc giảm thuế cũng là cần thiết. Tuyên bố của Chính phủ cũng đã chỉ rõ: “Cần tìm mọi biện pháp để cho kinh tế tăng trưởng” thì việc giảm thuế cho người dân cũng là góp phần giảm bớt khó khăn cho họ, giúp họ tập trung sản xuất, kinh doanh”.
Ngoài giảm thuế cần tăng lương
Được biết Chính phủ cũng đang có nghiên cứu xem xét là nâng lương lên cho những người thu nhập bằng lương. Đó cũng là động thái tích cực để hỗ trợ người dân lúc này. Tuy nhiên, thông thường ở nước ta là mỗi sau khi lương tăng thì giá cả thường tăng cao, nhiều khi giá còn tăng trước lương. Nên việc tăng lương cho những người làm công ăn lương cũng có ý nghĩa một phần, chứ với đà giá vẫn tiếp tục tăng thì đời sống của người dân vẫn gặp khó khăn. Chính vì vậy, cùng với việc điều chỉnh mức lương thì việc giảm thuế vẫn cần thiết được thực hiện ngay trong năm 2009 để hỗ trợ những người có thu nhập chỉ bằng lương.
Ông Quách Đức Pháp, Viện trưởng Viện Khoa học tài chính khẳng định, lạm phát tăng cao đã khiến người dân giảm bớt chi tiêu. Chính vì vậy, cần phải giúp đỡ họ bằng nhiều cách, chứ không chỉ là giảm thuế. Đã đến lúc cần phải cải cách cơ cấu: cả cơ cấu thu và cơ cấu chi. Tập trung chi cho lương để giúp người lao động thoát khỏi cảnh “ba cọc ba đồng”, cuộc sống quá eo hẹp.
Giải pháp được ông Quách Đức Pháp đặc biệt nhấn mạnh trong thời điểm hiện tại là “cần phải sửa chính sách tiền lương là chính”. Thực tế, nếu có điều chỉnh mức lương từ 540.000 đồng lên 650.000 đồng thì đây vẫn không phải là giải pháp cơ bản. Vấn đề là phải xác định lại xuất phát từ nguyên tắc trả lương. Cần phải có chính sách tiền lương cho công chức theo nguyên tắc bản thân công chức Nhà nước phải sống được bằng lương ở mức trung bình của xã hội chứ không thể quá nghèo, quá khổ được. Lương công chức nhà nước hiện quá thấp, như cử nhân mới ra trường chỉ có hơn một triệu đồng/ tháng mà lại phải trang trải đủ các sinh hoạt như: thuê nhà, ăn uống, xăng xe…
Tiến sĩ Vương Quân Hoàng, Trung tâm Nghiên cứu khoa học Kinh tế Emile Bemheim, Đại học Tổng hợp Brussels (Bỉ) nhận định việc giảm thuế cho người dân trong ngắn hạn không có tác động quá lớn đến ngân sách khi nguồn thu này mới chỉ đóng góp có 3% GDP. Khi kinh tế phát triển ổn định, những khó khăn của người dân sẽ giảm thì việc họ đóng thuế trở lại là bình thường.