Chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật

15:34, 02/12/2008

Pháp lệnh về người tàn tật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành năm 1998 quy định: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội.

Tuy nhiên, trong thực tế, người khuyết tật (NKT) chưa thể hòa nhập tốt với xã hội, nguyên nhân chính nằm ở sự kỳ thị, phân biệt đối xử với họ.

Ðể thay đổi nhận thức, thái độ ứng xử của cộng đồng đối với vấn đề NKT không phải là điều đơn giản, mà đòi hỏi những cố gắng to lớn từ tất cả các thành phần xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử với NKT, trong đó cơ bản từ nhận thức khái niệm khuyết tật.

Có ý kiến cho rằng, khuyết tật là vấn đề sức khỏe của một nhóm người bị thiệt thòi làm hạn chế khả năng đóng góp của họ mà không hiểu rằng khuyết tật là sản phẩm của xã hội, bất kỳ xã hội nào cũng có NKT và bất kỳ ai cũng có thể trở thành khuyết tật. Vì thế, bất kỳ nỗ lực nào nhằm giúp đỡ NKT đều phải dựa trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ quyền của NKT.

Cần phải có thái độ tích cực hơn, không đánh giá thấp chất lượng cuộc sống và tiềm năng của NKT; tăng cường trợ giúp xã hội để giảm bớt những rào cản gây trở ngại cho NKT trong quá trình hòa nhập; cung cấp thêm thông tin, tăng khả năng tiếp cận cho NKT...

Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã công bố một điều tra xã hội trên quy mô lớn về tình trạng của NKT tại bốn địa phương có tỷ lệ NKT cao là Thái Bình, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Ðồng Nai.

Qua điều tra 8.000 hộ gia đình được chọn ngẫu nhiên ở 49 phường, xã của bốn tỉnh, cho thấy sự thật đáng báo động về sự kỳ thị và thái độ phân biệt đối xử đối với NKT 98% số người được hỏi cho rằng, NKT là những người "đáng thương"; 40% số người cho rằng, NKT có thói quen ỷ lại vào người khác; 66% cho rằng NKT không thể có cuộc sống "bình thường"; 76% cho rằng nên gửi NKT vào các Trung tâm bảo trợ xã hội. NKT phải đối mặt với sự kỳ thị ở nhiều hoàn cảnh khác nhau: gia đình, cộng đồng, trường học, bệnh viện, nơi làm việc...

Lý do một phần do nhận thức chưa đầy đủ của xã hội về quyền của NKT và chính sách của Nhà nước dành cho NKT.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, có đến 60% số người được hỏi chưa bao giờ nghe đến Pháp lệnh về người tàn tật, 23% từng nghe đến nhưng không biết về nội dung văn bản này.

Trong cuộc sống, NKT phải gánh chịu nhiều thiệt thòi do tình trạng khuyết tật gây ra, từ việc thực hiện những công việc sinh hoạt hằng ngày, học tập, việc làm đến tiếp cận các dịch vụ y tế, kết hôn, sinh con và tham gia các hoạt động xã hội...

Ðể khắc phục, NKT chủ yếu dựa vào gia đình - chỗ dựa và là nguồn giúp đỡ chính đối với họ.

Nhưng khó khăn càng trở nên trầm trọng hơn khi với nhiều NKT, họ bị phân biệt đối xử ngay từ chính trong gia đình mình. Họ bị bố mẹ, anh chị em trong nhà coi là gánh nặng nên thường xuyên bị lăng mạ, sỉ nhục, thậm chí còn bị bỏ rơi, không chăm sóc. Số ít còn bị bố mẹ bắt đi ăn xin hoặc bị khóa xích trong nhà.

Tại cộng đồng, NKT cũng thường bị chế nhạo, bị lăng mạ. Người ta thường xa lánh, tránh gặp NKT trước khi làm việc gì đó quan trọng như đi công tác xa, đi du lịch, đi thi...

Các tuyến xe buýt, dịch vụ vận tải, thiết bị công nghệ, chưa tạo điều kiện tiếp cận cho NKT... Không chỉ có NKT mà đôi khi cả gia đình họ cũng bị kỳ thị, xa lánh.

Trong giáo dục, nhận thức về nhu cầu học tập của NKT còn chưa cao.

Nhiều người cho rằng, NKT, nhất là người khiếm thính, khiếm thị và thiểu năng trí tuệ không nên đi học, vì có học họ cũng chẳng tiếp thu được gì mà còn ảnh hưởng đến học sinh khác.

Chính bởi nhận thức này mà nhiều NKT không bao giờ được đến trường. Số được đến trường thì gặp nhiều khó khăn trong đi lại, giao tiếp, học tập, cơ sở vật chất thì thiếu thốn, nảy sinh tâm lý chán nản, dẫn tới bỏ học.

NKT cũng thường gặp nhiều khó khăn trong việc làm. Họ thường bị từ chối, hoặc có nhận vào làm thì chỉ được giao những công việc đơn giản, thu nhập thấp, không có cơ hội thăng tiến và phát huy chuyên môn, ít khi được đào tạo nâng cao trình độ, một số còn bị trả công thấp hơn so với người khác...

Quan niệm NKT không thể tự nuôi sống bản thân và sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình là những suy nghĩ cố hữu mang tính thành kiến cản trở NKT tiến tới hôn nhân với người mình yêu.

Nếu như nam giới khuyết tật còn có nhiều cơ hội lấy được vợ không khuyết tật, thì phụ nữ khuyết tật lại có rất ít khả năng lấy được chồng không khuyết tật.

Chính bởi những quan niệm nêu trên mà có đến 47% số NKT ở độ tuổi 18 trở lên không kết hôn, trong đó số phụ nữ khuyết tật sống độc thân chiếm tỷ lệ rất cao.

Thực tế cuộc sống đã chứng minh, NKT luôn khát khao sự vươn lên để hòa nhập, nhiều người trong số họ đã làm cho xã hội thay đổi cách nhìn nhận mình một cách bình đẳng như những người bình thường.

Họ có thể làm được nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ về họ, thậm chí họ có thể làm được những điều mà người lành lặn không ngờ tới.

Rất nhiều tấm gương sáng, giàu nghị lực đã vượt lên khó khăn mà sự khuyết tật mang lại, để thành công trên nhiều lĩnh vực: học tập, lao động sản xuất, thể thao, văn hóa nghệ thuật...

Không chỉ tự vươn lên, rất nhiều người khuyết tật còn giúp người đồng cảnh cùng vươn lên có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Dự án nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng, nhà nước và cộng đồng về các nguyên nhân và hình thức khác nhau của sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến người khuyết tật cũng như những tác động tiêu cực của chúng đến kinh tế, xã hội; xây dựng năng lực cho các tổ chức này thông qua việc xây dựng và tập huấn sử dụng bộ công cụ giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến khuyết tật; nâng cao quyền năng của NKT và hướng dẫn họ tham gia vào xã hội thông qua nâng cao nhận thức về khả năng và quyền bình đẳng của họ.