Khi yêu thương được bù đắp

13:54, 14/12/2008

Từng nhiều năm đứng trên bục giảng, nay làm Phó hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Chùa Hang 1 (Đồng Hỷ), nhưng cô giáo Trần Thị Kết vẫn nhớ nguyên bài tập làm văn của cô học trò Nguyễn Thị Huệ, học sinh lớp 6A.

Đó là bài văn Huệ kể về một kỷ niệm đáng nhớ của em. Bài văn không dài nhưng chất chứa đầy nước mắt. Huệ khao khát được bố mắng vì khi đến lớp không thuộc bài, tối đi ngủ được vùi đầu vào ngực mẹ làm nũng. Nhưng, ước mơ đó của em khó mà thực hiện được vì cả bố và mẹ em đang phải ở tù vì tội buôn bán ma tuý.

 

Khi biết hoàn cảnh của em, cô giáo chủ nhiệm Ngô Hồng Hạnh đã lặng người: Thương lắm, con bé mới hơn chục tuổi đời... Vậy là bao yêu thương, cô giáo chủ nhiệm dành cho Huệ, coi Huệ như đứa con gái của mình để tâm sự, vỗ về. Nhờ đó, Huệ hết mặc cảm, đến lớp đầy đủ và luôn nổi trội trước các bạn trong lớp về thành tích học tập cũng như các hoạt động phong trào của trường. Cô giáo chủ nhiệm Ngô Hồng Hạnh cho biết: Từ lớp 6 đến lớp 8, Huệ đều đạt học sinh giỏi. Tại cuộc thi kể chuyện theo sách do huyện Đồng Hỷ tổ chức vừa qua, em được Ban tổ chức cuộc thi trao giải Nhì. Hiện em đang theo học lớp 9, được thầy cô  chọn làm người dẫn các chương trình văn nghệ do nhà trường tổ chức.

 

Huệ là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang theo học tại Trường THCS thị trấn Chùa Hang 1. Như lời thầy Hiệu trưởng Hoàng Kim Đỉnh thì các em, ví như con chim non chưa đủ lông cánh đã bị giông tố cuộc đời vùi dập. Mà người đánh mất sự hồn nhiên của tuổi thơ các em, không ai khác - chính là bậc sinh thành. Vì cuộc mưu sinh, vụ lợi, họ dấn thân vào con đường tội lỗi và phải trả giá. Nhưng đau xót hơn là những đứa con của họ đã gào khóc, bất lực khi nhìn thấy các chú công an đến còng tay bố mẹ đưa đi. Những đứa trẻ tội nghiệp ấy nhớ trường, đến trường trong mặc cảm, vì thế trách nhiệm của người giáo viên cũng nặng nề hơn. Cậu học trò Hoàng Văn Minh là một điển hình. Năm nay đang theo học lớp 9, Minh có hoàn cảnh buồn vì cha mẹ sinh ra em nhưng không chịu nuôi em. Vậy là em phải đến ở nhờ nhà bác. Công việc làm ăn bận rộn, người bác không có thời gian chỉ bảo cho em học hành. Vậy là Minh trượt dài trong học tập, khi lực học yếu kém thì Minh càng ngổ ngáo hơn trước thày cô và bạn bè. Giận đấy mà tình thương của thày cô giáo dành cho Minh cũng nhiều hơn. Và trước tình yêu thương như người cha, người mẹ của thày cô, Minh cảm thấy hối hận về hành động của mình, đã dần tu dưỡng đạo đức, siêng năng học tập, không bỏ giờ rủ bạn đi chơi điện tử. Một tin vui, trong dịp hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 vừa qua, tại giải thi đấu thể thao do Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện tổ chức, ở vị trí tiền vệ trong đội bóng đá của trường, Minh ghi 4 bàn thắng và được Ban tổ chức trao giải cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất.

 

Với học trò cá biệt, điểm 1 ghi bên lề vở, hình thức phạt của nhà trường hay đòn roi của cha mẹ... chỉ dẫn các em đến với con đường hư hỏng nhanh hơn. Rất nhiều những câu chuyện nghịch ngợm đứng sau quỷ, ma là học trò. Cũng ngôi trường này, đã có lúc các chú công an vào tận nơi trao đổi với Ban giám hiệu về việc học sinh ra ngoài đánh nhau; chuyện học trò mạo chữ ký của bố mẹ vào sổ liên lạc nộp cho cô chủ nhiệm; việc một số em sử dụng điện thoại di động trong lớp học; bỏ giờ đi chơi điện tử... Nhưng thầy, cô giáo chủ nhiệm đã nhẹ nhàng uốn nắn, bằng cách cho nợ khuyết điểm để các em có cơ hội sửa chữa. Tuy nhiên, có trường hợp ngày nào thầy, cô chủ nhiệm lớp cũng phải ghi nhận xét vào sổ liên lạc, có trường hợp 1 tuần nhận xét 1 lần. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường đã uốn nắn cho nhiều em để các em ngày càng tiến bộ. Điển hình như em Lê Văn Tùng, học sinh lớp 8. Ông Trần Xuân Cang, một phụ huynh cho biết: Bố cháu Tùng dữ đòn, vậy mà thằng bé ngày càng trở nên lầm lì hơn. Nhưng sau lần bố cháu được cô chủ nhiệm mời đến, trao đổi về ý thức, lực học của Tùng, đồng thời tư vấn về cách giáo dục con cái, ông Đặng Văn Tuấn, bố Tùng đã thay đổi được hành vi dạy dỗ con. Thầy Đặng Quang Đoàn, Tổng phụ trách đoàn đội của Trường cho biết: Hôm mới đây, ông Tuấn gặp tôi, bảo: Nhờ các thầy cô giáo, cháu Tùng đã trở nên ngoan ngoãn và biết vâng lời cha mẹ.

 

Cô giáo Trần Thị Kết tâm sự: Tấm lòng vị tha của người giáo viên, và việc chịu bù đắp tình yêu thương cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, đó chính là dòng sữa ngọt ngọt ngào nuôi dưỡng cho tâm hồn các em lớn khôn... Đôi khi, chỉ một lời động viên đúng chỗ, sẽ là động lực cho các em sức mạnh, vượt lên mặc cảm để phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội.