Nan giải bài toán việc làm

14:27, 17/12/2008

Đánh giá thị trường lao động, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, hiện nay cung vẫn lớn hơn cầu; sức ép về việc làm, tiền lương vẫn tương đối lớn; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 4,91% và ở nông thôn là 5,79% mặc dù hằng năm, thông qua các chương trình tạo việc làm vẫn có 1,28 người có việc làm mới.

Con số đưa ra là như vậy. Nhưng nhìn nhận một cách thực tế, mặc dù nhiều nơi cung lớn hơn cầu nhưng cũng có nơi cầu lại lớn hơn cung. Điển hình là ở các khu vực đô thị lớn, mặc dù nhu cầu về nhân lực khá lớn, nhưng nguồn nhân lực ở nhiều nơi lại dồn về quá nhiều khiến cung lớn hơn cầu. Ngược lại, ở các vùng đô thị nhỏ hoặc lân cận thì có thể thiếu nhân lực trầm trọng do người lao động luôn có tâm lý dồn về làm việc tại các đô thị lớn.

 

Giải quyết việc làm trong nước, nhìn nhận từ góc độ người lao động, đó không chỉ là tạo cơ hội cho mỗi cá nhân, thông qua các chương trình quốc gia hỗ trợ vốn giải quyết việc làm mà cần có một chiến lược dài hơi hơn từ phía nhiều bộ, ngành. Đơn cử, theo thông tin từ Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam, hiện nay Hội có hơn 7.000 hội viên với mạng lưới tổ chức 57 Hội DNT cấp tỉnh, thành, ngành. Các doanh nghiệp thuộc Hội đã tạo ra doanh thu hằng năm trên 20 tỷ USD và bảo đảm việc làm ổn định cho trên 1,2 triệu lao động. Điều đó cho thấy, ngoài việc đầu tư cho các cá nhân phát triển sản xuất hộ gia đình, nếu có chính sách hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp thì lợi ích kinh tế đem lại không chỉ cho bản thân doanh nghiệp, cho nền kinh tế mà cũng là gián tiếp tạo việc làm cho người lao động. Bởi khi doanh nghiệp phát triển, mở rộng quy mô thì đương nhiên nhân lực phải được tính đến đầu tiên.

 

Giải quyết việc làm trong nước, bài toán có nhiều lời giải khác nhau. Nhưng với người lao động, việc đầu tư phát triển doanh nghiệp cân đối ở các vùng, miền cũng là một cách giải bài toán việc làm trong nước. Hơn thế, áp lực về việc làm tại các vùng đô thị lớn cũng sẽ bớt được phần gánh nặng.