Ngày Tết của người nghèo

09:05, 30/12/2008

Đã thành thông lệ, đêm 31-12 hàng năm đã trở thành đêm của nghĩa tình ấm áp, thể hiện sự sẻ chia chân thành của tất cả mọi người đến những người nghèo, những có hoàn cảnh không may, bất hạnh. Chính vì thế, nhiều người đã coi ngày 31-12 là ngày đón năm mới của người nghèo, ngày “Tết của người nghèo”.

Trên dải đất hình chữ S đã hai lần bị tàn phá bởi chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt này, có biết bao người còn sống trong cảnh nghèo khó, nhà cửa dột nát, tạm bợ, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn. Nhưng cũng chính trên mảnh đất nhọc nhằn này, tấm lòng thơm thảo, tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” đã trở thành truyền thống tốt đẹp có tự ngàn xưa. Bởi thế nên dù ở đâu, ở thời nào, những người nghèo, người có hoàn cảnh không may, bất hạnh vẫn luôn nhận được sự tương trợ, giúp đỡ, sự sẻ chia chân thành của cả cộng đồng.
Song, có thể nói, chưa bao giờ tình cảm và trách nhiệm với người nghèo lại được Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và toàn xã hội quan tâm như hiện nay. Bảy năm qua, sau khi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất lấy ngày 17-10 hằng năm là “Ngày vì người nghèo” và được Chính phủ đồng ý, cuộc vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo đã được đông đảo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hưởng hứng.

Bên cạnh đó, người nghèo nước ta còn có một ngày cuối năm đầy ý nghĩa. Từ năm 2002, Đài THVN đã phối hợp với Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Chương trình “Nối vòng tay lớn” hàng năm vào đêm 31-12 nhằm kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đóng góp ủng hộ người nghèo. Chưa ai nói ngày 31-12 là “Ngày Tết của người nghèo”, song qua nhiều lần tổ chức, Chương trình “Nối vòng tay lớn” đã ghi đậm dấu ấn của các tầng lớp nhân dân về tình tương thân, tương ái, sự cảm thông và giúp đỡ người nghèo. Vì thế, có thể nói ngày 31-12 chính là “Ngày Tết của người nghèo”.

Trong đêm cuối năm, trong cái rét chồi rét lộc của mùa xuân, ai cũng muốn được sum vầy cùng gia đình trong ngôi nhà ấm cúng để tiễn một năm cũ đã qua, đón một năm mới đến với những hy vọng về cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn. Trong giờ phút ấy, hẳn nhiều người cạnh lòng khi biết rằng, ngoài kia vẫn còn những người già cô đơn không nơi nương tựa, những trẻ em lang thang, cơ nhỡ không mái nhà trú thân, những gia đình nghèo không biết đến hương vị Tết… Và Chương trình “Nối vòng tay lớn”, như một nốt lặng, đã khơi dậy tinh thần tương thân tương ái luôn tiềm ẩn trong mỗi người, cùng góp sức để người nghèo trong cả nước có một cái Tết ấm áp hơn, sung túc hơn.

Nhưng bên cạnh đó, Chương trình “Nối vòng tay lớn” hàng năm còn là khúc ca tôn vinh những tấm lòng nhân ái, những nhà hảo tâm, những doanh nghiệp giàu tiền giàu cả nghĩa tình. Quy mô của Chương trình ngày càng được mở rộng, đồng nghĩa với đó là số tiền, hiện vật ủng hộ cho người nghèo thông qua Chương trình cũng ngày một tăng theo cấp số nhân. Từ Chương trình “Nối vòng tay lớn” đầu tiên được tổ chức ngày 31-12-2004, vòng tay nhân ái vì người nghèo đã được nối dài thêm mãi. Thông qua Chương trình, hàng tỷ đồng tiền mặt, nhiều hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt, nhiều cơ hội việc làm, nhiều sự giúp đỡ thiết thực… đã đến với người nghèo. Từ sự giúp đỡ cần thiết đó, hàng ngàn hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Qua 5 lần tổ chức, Chương trình “Nối vòng tay lớn” đã góp thêm một mảng màu sáng trong bức tranh “xóa đói giảm nghèo” đang ngày càng khởi sắc. Chỉ trong năm nay, cả nước đã có hơn 300 nghìn hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn hơn 15% (giảm hơn 2% so với năm 2006). Trong cả nước có hơn 1 triệu hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi; 450 nghìn lượt hộ nghèo được hướng dẫn cách làm ăn; 14,5 triệu người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 2,4 triệu học sinh nghèo được miễn giảm học phí… Những con số trên đã chứng minh một điều, chăm lo cho người nghèo có một cuộc sống tốt đẹp hơn đã trở thành tình thương và trách nhiệm của toàn xã hội.

Năm 2007 đang dần qua, người nghèo cả nước lại đang đón chờ một “Ngày Tết” trong tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ của mọi người. Nhưng khác với mọi năm, Chương trình “Nối vòng tay lớn” năm nay được nối dài từ đầu tháng 12 cho đến đêm cuối năm. Ngoài việc duy trì tổng đài 8733 - nơi mỗi tin nhắn gửi tới đồng nghĩa với 15.000 đồng ủng hộ cho Quỹ Vì người nghèo, ngày từ đầu tháng 12, Ban tổ chức Chương trình đã phát động phong trào "Mỗi người một áo ấm" kêu gọi người dân góp quần áo tặng nhân dân miền Trung vừa trải qua trận bão lũ.

Cũng trong tháng này, Đài Truyền hình VN đã phát sóng chương trình “Mỗi ngày một doanh nghiệp làm từ thiện”, giới thiệu hoạt động tích cực ủng hộ người nghèo của các doanh nghiệp tiêu biểu. Vì thế, Chương trình đặc biệt trong đêm cuối năm sẽ dành phần lớn thời lượng cho nghệ thuật để giới nghệ sĩ nước nhà thể hiện tấm lòng của mình với người nghèo.

Cũng trong Chương trình “Nối vòng tay lớn” năm nay, sẽ có nội dung đấu giá một số món quà đặc biệt, số tiền thu được sẽ dành để ủng hộ vào Quỹ Vì người nghèo. Đó là bức tranh "Cánh chim Việt" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Quốc Hiền (Nghệ An) được làm bằng nhiều loại đá quý tự nhiên.
Gia đình cố nghệ nhân Vũ Đức Trọng cũng gửi đến Chương trình bức tranh lụa thêu "Tình mẫu tử”. Theo gia đình cố nghệ nhân thì đây là bức tranh thêu ông làm trong sáu tháng khi đã ngoài 90 tuổi. Trước khi mất, ông có tâm nguyện sẽ tặng bức tranh đến Ban tổ chức để góp món quà nhỏ ủng hộ những người nghèo. Ngoài ra, nhà văn, nhà báo quân đội Trần Đình Bá cũng gửi tặng bức tranh "Ngàn năm quanh Bác bản hùng ca" để đấu giá ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Hơn cả mục đích quyên góp, gây quỹ ủng hộ người nghèo, Chương trình “Nối vòng tay lớn” đã góp phần khơi dậy tình thương, nâng cao trách nhiệm của mọi người dân đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình đã gây được tiếng vang không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới về truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” tinh thần tương thân tương ái của con người Việt Nam. “Ngày Tết của người nghèo” đang đến gần. Chúng ta cùng hy vọng, năm nay, người nghèo cả nước sẽ được đón một cái Tết đầm ấm hơn, no đủ hơn từ sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.