Nhìn lại để làm tốt hơn

08:59, 25/12/2008

Năm 2008, 36 dự án lớn, nhỏ đồng loạt được triển khai trên địa bàn huyện Đại Từ với hơn 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có các dự án lớn như: Dự án Núi Pháo; Nhà máy xi măng Quan Triều…Một năm nhìn lại Đại Từ đã chỉ rõ những mặt được và chưa được để từ đó có giải pháp thực hiện công tác này tốt hơn.

Năm qua, Đại Từ đã phải giải quyết một khối lượng lớn công việc trong công tác bồi thường- GPMB, một công việc đầy khó khăn và nhậy cảm. Đành rằng, trong quá tiến hành bồi thường GPMB, huyện Đại Từ đã nhận được sự đồng tình của đại đa số nhân dân trong các vùng bị ảnh hưởng bởi dự án, đặc biệt là sự ủng hộ của hơn 1.000 hộ dân thuộc các dự án xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn đã sẵn sàng tình nguyện hiến đất, hiến tài sản, hoa màu cho dự án thi công đảm bảo đúng tiến độ như các hộ dân ở xã Phú Lạc, Văn Yên, Hùng Sơn... Song huyện vẫn không thể tránh khỏi những phức tạp, khó khăn nhất định, mà không dễ dàng giải quyết ngay được.

 

Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tập trung kiểm tra, xác minh, giải quyết nhiều đơn thư đề nghị của nhân dân về bồi thường- GTMB thuộc thẩm quyền. Trong đó một số dự án có đơn khiếu kiên nhiều như: Dự án đường ĐT 261 đã xác minh, giải quyết 30 đơn; Dự án Núi Pháo 25 đơn; Dự án đường điện 220KV 72 đơn…

 

Nguyên nhân của những khó khăn đã được trao đổi, bàn thảo tại khá nhiều cuộc họp và được các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ: Một số dự án lớn, thời gian thực hiện công tác bồi thường liên năm, vừa thi công lại vừa GPMB, nên có những biến động về cơ chế, chính sách, giá cả đất đai, tài sản, giữa nhà này với nhà kia có cùng một loại đất nhưng lại có hai đơn giá đền bù khác nhau, đã gây bức xúc trong  nhân dân. Kinh phí chi trả bồi thường-GPMB cho nhân dân ở một số dự án chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời; có dự án đòi hỏi gấp tiến độ, nhưng công tác đo đạc bản đồ lại chưa đáp ứng được yêu cầu, phải thực hiện công tác kiểm đếm và lập phương án trước, dẫn đến có sự sai sót về nguồn gốc pháp lý đất đai, gây nhiều tranh cãi trong nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động chưa thực sự đạt hiệu quả, có một số ngành, địa phương còn chưa tích cực vào cuộc ngay từ đầu, chỉ khi nào các hộ dân cố tình gây cản trở, trây ỳ, thì mới vào cuộc để vận động, tuyên truyền.

 

Việc giải quyết khiếu nại, đề nghị của nhân dân có nơi, có lúc còn đùn đẩy trách nhiệm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành trong việc giải quyết các đơn thư có liên quan, xã đẩy lên huyện, huyện đẩy lên tỉnh, rồi tỉnh lại trả về huyện, cứ như vậy “quả bóng trách nhiệm” cứ đá đi đá lại mà không biết “rơi” vào đâu… Nhận thức của một bộ phận nhân dân trong các vùng dự án về chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách bồi thường còn nhiều hạn chế, có việc cần kêu thì không kêu, việc không cần thì lại bé xé ra to, gây phiền hà, cản trở vô lý cho những người thực hiện trong công tác bồi thường. Việc vận dụng chính sách về bồi thường trong quá trình thực hiện chưa có sự thống nhất giữa các ngành, các địa phương, dẫn đến những sự “lệch pha” không đáng có. Dự án đường điện 220KV vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng, nên trình tự, thủ tục chưa đảm bảo, đầy đủ theo quy định đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân…

 

Năm 2009, huyện Đại Từ vẫn tiếp tục xác định công tác bồi thường-GPMB là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đột phá của huyện, nên đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc những mặt còn tồn tại và thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể trong quá trình tổ chức thực hiện; phối hợp chặt chẽ trong công tác vận động, tuyên truyền nhân dân trong vùng dự án; mở các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng về công tác bồi thường-GPMB cho cán bộ cơ sở. Tuyển chọn cán bộ làm công tác bồi thường-GPMB có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, có nhận thức đúng về vị trí công tác, có tinh thần trách nhiệm và tận tâm, tận tuỵ với công việc được giao, bổ sung thêm cán bộ và lãnh đạo cho Ban bồi thường-GPMB để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…