Những bước tiến dài trong công tác giảm nghèo

15:44, 21/12/2008

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVII đã đề ra mực tiêu mỗi năm giảm được từ 2,5% hộ nghèo trở lên và liên tục từ đầu nhiệm kỳ tới nay Thái Nguyên đều đạt, vượt chỉ tiêu nêu trên. Riêng năm 2008, công tác giảm nghèo được các ngành, các cấp trong tỉnh đẩy mạnh trên các phương diện nên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh từ 20,69% xuống còn 17,74%...

Để giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, trong năm qua, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng, 9 huyện, thành, thị  đã triển khai Chương trình quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 của Trung ương và các chủ trương của tỉnh trong công tác này. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như: Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; chính sách y tế cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ người nghèo về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; hỗ trợ hộ nghèo xoá nhà dột nát...

 

Cụ thể, nguồn vốn chính sách dành cho 55.660 hộ nghèo vay phát triển kinh tế trong năm là 413 tỷ đồng, vốn dư nợ cho học sinh sinh viên có điều kiện khó khăn vay là 96,7 tỷ đồng, vốn vay cho hộ nghèo, gia đình chính sách để xuất khẩu lao động gần 10 tỷ đồng, vốn vay giải quyết việc làm trên 49 tỷ đồng. Nguồn vốn thuộc các Chương trình: 134, 135 của Chính phủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân ở 44 xã và trên 50 xóm đặc biệt khó khăn trong tỉnh lên đến trên 80 tỷ đồng.

 

Cùng với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nguồn vốn đầu tư nêu trên, công tác tập huấn khoa học kỹ thuật cho nhân dân nói chung và các hộ nghèo nói riêng đã được đẩy mạnh ở tất cả các huyện, thành, thị và kết quả trong năm đã có hàng chục nghìn lượt người được tập huấn kiến thức mới về trồng trọt, chăn nuôi. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi cộng đã giúp người nghèo trên địa bàn tỉnh có cơ hội để đầu tư cho sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập. Đến hết năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 2,95%, tương đương 6.786 hộ và tổng số hộ thoát nghèo luỹ tiến trong 3 năm trở lại đây đã lên đến trên 20.000 hộ. Một số địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác giảm nghèo và đạt hiệu quả cao trong năm 2008 như: Võ Nhai (giảm 9,23%); Định Hóa (giảm 4,1%); T.X Sông Công (giảm 4,74%)...

 

Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp trong sản xuất, công tác giải quyết những vẫn đề xã hội cho người nghèo cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm như: Chăm sóc về y tế cho hộ nghèo; hỗ trợ con em thuộc diện hộ nghèo trong học tập; nâng cao mức sống sinh hoạt bằng cách đưa nước sạch sinh hoạt, công trình hợp vệ sinh về cho người nghèo; thăm động viên, tặng quà cho người nghèo nhân dịp tết, lễ.

 

Đặc biệt, trong năm 2008 việc huy động các nguồn lực của xã để xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, gia đình chính sách trở thành một phong trào lớn của tỉnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia nên kết thúc năm đã có gần 3.000 ngôi nhà dột nát được xóa. Theo đồng chí Lê Ngọc Liên, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội): “Có được kết quả nêu trên là do Trung ương có nhiều chính sách hỗ trợ, cùng đó là các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực này. Các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện công tác giảm nghèo có trách nhiệm và bằng những việc làm cụ thể”.

 

Mặc dù công tác giảm nghèo đạt được kết quả cao trong 3 năm liên tục nhưng hiện nay cũng đã xuất hiện những khó khăn mới như: Một số hộ nghèo không có ý chí thoát nghèo; có địa phương sau khi đạt kết quả cao trong công tác giảm nghèo đã có dấu hiệu tự mãn, bằng lòng nên tỷ lệ hộ nghèo gia tăng cao hơn so với dự kiến... Để công tác giảm nghèo của tỉnh luôn đạt và vượt kế hoạch của Trung ương cũng như mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh cần có sự quan tâm thường xuyên và thiết thực hơn nữa.