Vượt lên số phận để trồng người

08:34, 08/12/2008

Một cô giáo đã mắc HIV từ người chồng nghiện hút, nhưng vượt qua nỗi đau bệnh tật, chị đã đứng lên tiếp tục học tập, gắn bó đời mình với sự nghiệp trồng người.

Sinh ra trong một gia đình hiếu học, sau khi tốt nghiệp cấp 3, năm 2000, chị Nguyễn Thị  Biên vào dạy học ở trường Mầm non Đào Xá (Phú Bình). Từ năm 2001-2003 chị theo học lớp tại chức trung cấp mầm non để nâng cao nghiệp vụ. Thời gian này chị kết hôn với anh Hoàng Văn Hiền người cùng xã. Anh có nghề sửa chữa xe máy, xe đạp nên hai vợ chồng cất một quán nhỏ để anh làm nghề. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tuy không giàu có nhưng  hạnh phúc.

 

Năm 2002, chị mang thai đứa con đầu tiên, đây cũng là lúc chị phát hiện anh nghiện ma tuý. Từ đó, tài sản trong nhà cũng cứ theo anh đội nón ra đi. Khuyên giải chồng nhưng anh cứ hứa rồi lại quên, tai hoạ ập xuống khi chị sinh đứa con đầu tiên, vì ít tháng quá nên bé đã mất ngay sau khi sinh. Nén nỗi đau, chị kiên trì khuyên chồng cai nghiện và dồn sức vào công việc ở trường. Năm 2003 chị vui mừng khi có mang đứa con thứ 2, hoàn thành khoá học trung cấp mầm non và thi đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Nhưng niềm vui đến với chị thật ngắn ngủi khi đứa con thứ 2 vừa chào đời cũng đã bỏ chị mà đi, và thật trớ trêu khi sinh đứa con thứ 2 cũng là lúc chị phát hiện ra mình bị nhiễm HIV từ chồng.

 

Buồn đau vì mất con, hoang mang vì biết mình mang trong người căn bệnh thế kỷ, nhưng chị vẫn cố gắng vượt qua. Ý thức cao về trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, đặc biệt là với học sinh, chị tự tìm đến các Trung tâm tư vấn về HIV/AIDS của tỉnh, của Bệnh viện A, rồi sang cả Trung tâm tư vấn HIV của huyện Phổ Yên… để tìm hiểu cách chăm sóc bản thân và phòng tránh cho những người xung quanh.

 

Năm 2005, chị đạt danh hiệu giáo viên dạy gỏi cấp huyện. Niềm vui vừa đến thì cũng là lúc chồng chị qua đời vì căn bệnh HIV. Sau cái chết của chồng, mọi người bắt đầu xa lánh chị, vì thiếu hiểu biết nên các phụ huynh cũng lần lượt chuyển con sang lớp khác. Trước tình hình trên, nhà trường cho chị chuyển sang làm công việc khác.

 

Không được đứng lớp, nhớ học trò, cộng với đó là nỗi buồn đau tuyệt vọng khiến chị tưởng như không thể đứng vững. Đúng vào thời điểm này, phong trào phòng chống HIV/AIDS, chống phân biệt đối xử với người có HIV được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các buổi họp ở xóm, xã. Rồi các buổi tuyên truyền, tập huấn về HIV/AIDS được tổ chức tại địa phương đã giúp mọi người nâng cao nhận thức về căn bệnh này. Đặc biệt là sự ra đời của câu lạc bộ (CLB) đồng cảm đã mang lại niềm tin cho chị. Thấy chị nhiệt tình với công tác này, Trung tâm tư vấn Bệnh viện A Thái Nguyên đã mời chị làm cộng tác viên tuyên truyền về HIV/AIDS và hướng dẫn những người có HVI kiến thức về chăm sóc bản thân. Với những kiến thức lĩnh hội được, chị đã phổ biến và giúp đỡ các thành viên trong CLB đồng cảm của mình biết cách phòng trách lây truyền bệnh cho người thân, biết cách chăm sóc bản thân để không lây lan ra cộng đồng.

 

Chị tâm sự: "Tôi rất mong Huyện Phú Bình có Trung tâm tư vấn HIV/AIDS để bọn em có điều kiện trao đổi và giúp đỡ những những người có cùng hoàn cảnh như mình".

 

Nhờ sự nỗ lực của bản thân, cộng với sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội nhận thức về HIV/AIDS của người dân địa phương đã được nâng lên, các bậc phụ huynh không còn e ngại khi con mình học lớp cô Biên. Do đó, cô giáo Biên đã được mời đứng lớp trở lại, những ngày này chị đang chuẩn bị hồ sơ để tiếp tục theo học lớp Đại học tại chức mầm non với mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người.