Xuất ngoại để… bán rau

09:45, 07/12/2008

Trong khi người tiêu dùng cả nước đang nghi ngại về rau Trung Quốc nhập tràn lan về Việt Nam, thì tại một xã ở Lào Cai, người Việt Nam từ xưa đến nay, vẫn trồng rau rồi mang tận sang Trung Quốc bán.

Xã Đồng Tuyển, Thành phố Lào Cai, nằm bên này sông Hồng. Bên kia là nước bạn Trung Quốc. Xã Đồng Tuyển là xã của người Giáy, sống bằng nghề trồng rau “xuất khẩu” sang Trung Quốc. 

 

Theo thống kê của lãnh đạo xã, có đến cả trăm người ngày ngày gùi rau quả qua cửa khẩu để bán.

 

Cả xã trồng rau… xuất khẩu

 

Từ đầu làng chúng tôi đã thấy bát ngát ruộng rau, trồng đủ các loại như họ nhà cải, xu hào, rau ngót, rau bí… Thậm chí bờ ao, mép đường cũng được tận dụng để trồng rau. 

 

Thôn Làng Đen có hơn 60 hộ, thì có tới hơn 30 hộ gia đình thường xuyên có người mang rau sang chợ Hà Khẩu – Trung Quốc để bán. 

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Sần Thị Trang cho biết, xưa kia, người dân chủ yếu sống tự cung tự cấp. Nhà nào trồng rau ăn không hết mới mang ra chợ Phố Tèo bán hoặc đổi mắm muối, dầu thắp đèn. Từ năm 1991 đến nay, kinh tế cửa khẩu phát triển, Thành phố Lào Cai và thị trấn Hà Khẩu có sự thông thương, đi lại thuận lợi.

 

Người Giáy ở xã Đồng Tuyển là cư dân bản địa nên họ có thể giao tiếp với người dân Hà Khẩu bằng ngôn ngữ Quan Hỏa rất dễ dàng (Các nhà ngôn ngữ học cho rằng, xưa kia tiếng Quan Hỏa là thứ ngôn ngữ chính để các dân tộc vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc giao tiếp với nhau), nên đây là cơ hội để họ tiếp cận và tham gia vào thị trường một cách khá thuận lợi. 

 

Người đầu tiên sang Trung Quốc bán rau ở Đồng Tuyển là bà Trang. Đầu những năm 1990, ăn rau không hết, bỏ đi thì phí, nên bà thử đem sang Trung Quốc bán. Không ngờ, rau Việt Nam mang sang, người dân Trung Quốc đều thích. Từ bấy, ngày nào bà Trang cũng gánh rau sang Trung Quốc bán.

 

Con cháu bà Trang thấy vậy cũng theo bà mang rau sang Trung Quốc bán. Rồi chị em trong thôn, trong xã đua nhau trồng rau… xuất khẩu. Thậm chí rau rừng, rau suối cũng được đem sang chợ Trung Quốc và bán rất đắt hàng. Để có rau đáp ứng nhu cầu bạn hàng, các gia đình đều tận dụng hết khả năng của đất, song vẫn không đủ để cung cấp cho thị trường. 

 

Trước kia, người dân trong thôn bản thường đi qua đường tiểu ngạch lối Cầu Xập bằng đường đò. Vài năm trở lại đây, việc thông thương giữa hai nước qua cửa khẩu quốc tế dễ dàng hơn, nên chị em đã làm sổ thông hành với thời hạn 3 tháng.  Việc đi chợ Trung Quốc bán rau đối với chị em người Giáy Đồng Tuyển hiện nay không còn xa lạ gì, họ coi đi chợ nước ngoài như đi chợ ở trong nước.

 

Chúng tôi đã ngủ lại ở Đồng Tuyển và theo chân những người mang rau ra nước ngoài bán. Rau được thu hoạch từ chiều hôm trước và xếp sẵn vào gùi mây. 

 

Từ 3h30 sáng, cả thôn bản thức giấc bởi tiếng í ới của những người đi chợ nước ngoài. Khoảng 5h sáng, đoàn người trĩu nặng gùi hàng, rồng rắn kéo nhau tiến về phía cửa khẩu. Trên đường đi, họ cùng trao đổi thông tin về giá cả và thống nhất một giá bán khi đến chợ Trung Quốc. 6h sáng, khi cửa khẩu mở, chị em lại xếp hàng trật tự, làm thủ tục nhập cảnh vào nước bạn, rồi gùi hàng đến chợ rau Hà Khẩu.

 

Khu vực bán rau của người Giáy từ Lào Cai sang là một dãy dài, chỗ của ai người nấy ngồi rất trật tự, không hề có lời qua tiếng lại tranh chấp nhau. Vé chợ được thu theo ngày, mỗi ngày 2 nhân dân tệ/người (tương đương 5.000VND). Khách đến mua hàng của ai người ấy bán, khồng hề có sự tranh chấp khách hàng. 

 

Chị Lan cho biết, đã sang đây bán hàng, phải tuân thủ quy định và giữ trật tự, chứ không giống như chợ ở Việt Nam, rất hay tranh khách rồi cãi cọ xô xát. Ở chợ Trung Quốc, nếu tranh chấp, chèo kéo khách, sẽ bị phạt, vả lại khách hàng cũng không muốn mua nữa. 

 

Điều lạ là đem hàng sang Trung Quốc bán rất vất vả, song cũng không đắt hơn ở chợ Việt Nam. Tôi băn khoăn, tại sao không bán ở trong nước cho nhàn nhã, thì chị em người Giáy bảo rằng, khả năng bán hàng của họ rất kém, nên không cạnh tranh được với những người buôn bán chuyên nghiệp trong nước.

 

Ngày nào cũng vậy, cứ đến khoảng 10h thì chị em bán hết hàng. Ai còn hàng thì nhờ người hết trước bán giúp mình, rồi cùng kéo nhau về một thể.  Trên đường về ai nấy đều phấn khởi vì đã bán sạch veo những gùi rau.  Trên khuôn mặt của họ, những niềm vui hiện rõ. Sớm mai, lại có những gùi rau tươi theo chân chị em người Giáy xuất ngoại.