Bệnh nhân nhiễm H5N1 tử vong không do cúm?

08:38, 08/01/2009

- Chị gái bệnh nhân Bùi Thị Thảo, 8 tuổi ở Thanh Hóa được xác định nhiễm cúm A/H5N1 tử vong sau khi ăn thịt gia cầm. Hiện chưa xác định nguyên nhân trường hợp tử vong này.

Ngày 8/1, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hoá cho biết, bệnh nhân Bùi Thị Thương 13 tuổi (là chị gái của bệnh nhân Thảo) tử vong là do đến viện quá muộn.

 

Bệnh nhân này bị ốm từ ngày 29/12/2008, nhưng gia đình tự điều trị. Do bệnh nặng lên nên ngày 2/1/2009, gia đình mới đưa đến trạm y tế xã. Tại đây, Thương được chẩn đoán viêm ruột thừa và được chuyển lên bệnh viện huyện ngày 3/1/2009.

 

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, phân lỏng, triệu chứng nặng về cảm hàn. Trong lúc các bác sĩ đang tập trung cấp cứu cho bệnh nhân thì phát hiện Thương bị suy đa phủ tạng và tử vong sau một tiếng nhập viện. Triệu chứng của bệnh nhân không biểu hiện rõ suy hô hấp, chỉ nghiêng về tiêu hoá, cảm hàn. Có thể, nguyên nhân tử vong do suy đa phủ tạng.

 

Hiện tại, bệnh nhân Thảo nhiễm cúm A/H5N1 đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hoá trong tình trạng tỉnh táo, hết sốt, đỡ khó thở hơn.

 

Về trường hợp này, TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, bệnh nhân tử vong nhanh do nhiều nguyên nhân. Đối với bệnh nhân Thương, thời điểm tử vong có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ không liên quan đến cúm A/H5N1.

 

Trao đổi với báo chí ngày 8/1, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: “Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm bệnh nhân Bùi Thị Thảo ở Thanh Hoá dương tính với virus cúm A/H5N1, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cử một đoàn cán bộ đi điều tra ca bệnh này. Qua điều tra dịch tễ học cho thấy, từ đầu tháng 12/2008 đến nay, có 6/12 thôn trong xã bắt đầu xuất hiện gia cầm ốm chết rải rác. Có nhà gia cầm chết hàng loạt nhưng người dân không báo cáo chính quyền và cơ quan thú y địa phương".

 

Ông Hiển thông tin thêm, hầu hết gia cầm ốm chết đều được người dân địa phương giết mổ làm thức ăn. Tại gia đình của cháu gái này (cháu Thảo - PV) , trước khi khởi phát triệu chứng đầu tiên khoảng 8 ngày, đàn gia cầm của gia đình cũng bị ốm.

 

Gia đình đã làm thịt và ăn một số gia cầm bị ốm này. Do đó, việc người dân chủ quan, không thông báo cho thú y và chính quyền địa phương khi có dịch ở gia cầm và đồng thời vẫn giết mổ gia cầm ốm/chết và ăn thịt như hiện nay là nguyên nhân chính dẫn đễ lây nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1.

 

"Nếu điều này vẫn tiếp diễn, có thể dẫn đến sự bùng phát nhanh chóng các ổ dịch cúm A/H5N1 trên diện rộng" - TS Hiển nói.

 

Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phối hợp với Trung tâm YTDP tỉnh Thanh Hóa và y tế địa phương tiến hành điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm xác định virus cúm A/H5N1 cho tổng số 37 người tiếp xúc mật thiết với bệnh nhân, bao gồm bố, mẹ, bà, hàng xóm của bệnh nhân, cán bộ y tế trực tiếp khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, và bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ.

 

Rất may, kết quả xét nghiệm của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đưa ra là tất cả các mẫu bệnh phẩm này đều âm tính với virus cúm A/H5N1.

 

Được biết, các kết quả nghiên cứu giám sát các chủng virus cúm A/H5N1 trong thời gian gần đây của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, virus cúm gia cầm A/H5N1 vẫn là chủng gây bệnh có độc lực cao.

 

Ngày 8/1, đoàn thanh tra liên ngành Vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) đã tiến hành kiểm tra việc kinh doanh gia cầm tại chợ Thành Công. Qua kiểm tra cho thấy, các quầy bán gà sạch trong chợ Thành Công (quận Ba Đình), vẫn còn tồn tại gà bán chưa qua kiểm dịch.

 

Tại chợ Thành Công, những quầy bán gà sạch đều kinh doanh gà đã giết mổ và đã được đóng dấu, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Tuy nhiên, xung quanh chợ Thành Công có nhiều cửa hàng bán gà còn sống rồi giết mổ luôn, nên lượng khách đến mua gà giết mổ sẵn rất ít.