Cuối năm trả nợ … Bà Chúa Kho!

08:13, 20/01/2009

 - Đến hẹn “trả nợ”, người nườm nượp đổ về đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) để lễ tạ cuối năm cho món tiền đã vay từ đầu năm của bà Chúa linh thiêng. Chưa biết giá trị của mỗi lễ tạ là bao nhiêu tiền thật, nhưng từ những xấp “đôla” đầy tú hụ trong các mâm lễ, nếu quy đổi từ tiền âm sang tiền dương, thì “món lộc” mà họ xin “ứng trước” của Bà Chúa, cũng là một món khổng lồ…

 

 Kinh tế khó khăn, "vay" tiền đền Bà càng nhiều!

 

Theo tín ngưỡng, đầu năm xin lộc cuối năm lễ tạ, với sự linh thiêng của đền Bà Chúa Kho, có đến hàng ngàn người từ khắp các tỉnh đổ dồn đến ngôi đền bà Chúa linh thiêng để cầu xin tài lộc cho một năm.

 

Theo tâm linh, nếu không “lễ tạ” cuối năm, lời cầu xin tài lộc đầu năm của họ sẽ không bao giờ linh ứng. Cho nên, dù bận cuối năm, nhiều người vẫn phải sắp xếp thời gian về Đền Bà Chúa Kho tạ lễ.

 

Một bà cụ sắp đồ lễ thuê cho biết: ngay từ đầu tháng 12, những người “trả nợ” đã tìm về đền tạ lễ. Tuy nhiên, do đã nhiều lần về “xin lễ”, “tạ lễ” ở đền Bà Chúa, họ đã “rút kinh nghiệm” mua sẵn lễ từ nhà mang đến, để tránh bị “ép mua” những món đồ lễ giá “trên trời” do những người cung cấp dịch vụ bán cho.

 

Những xấp đôla tiền âm, nếu quy đổi tiền thật, thì số tiền "ứng trước" của mỗi người phải đến cả bạc tỷ. Ảnh: Kiên Trung

 

Việc “trả nợ Bà Chúa” được bắt đầu từ tháng 12, nên số lượng khách thập phương đến tạ lễ vào những ngày áp Tết không đông đến mức độ gây ùn tắc như những ngày đầu năm, khi họ đi "vay".

 

Chị N., một người làm nghề buôn bán trên phố Mã Mây (Hà Nội) cho biết: chị cùng một nhóm bạn hàng làm ăn thuê chung một chuyến xe về đền Bà lễ tạ. Công việc cửa hàng đều giao hết cho những người giúp việc. Đầu năm xin lễ, cuối năm lễ tạ đối với chị đã thành một thông lệ.

 

Sau nhiều lần đi lễ đền Bà, chị N. đã rút ra kinh nghiệm là tự sắm đồ lễ ở nhà, sau đó đến đền Bà mới nhờ đến dịch vụ sắp lễ thuê và khấn thuê. Những lễ vật của mâm lễ chị đã thông thuộc.

 

“Đầu năm xin lộc bao nhiêu, cuối năm phải lễ tạ Bà đúng số lượng như thế. Nếu không, làm ăn buôn bán sẽ có nhiều trắc trở!. Năm ngoái làm ăn khó khăn. Năm nay có lẽ còn khó khăn hơn, nên cũng không dám “ứng trước” của Bà số lượng lớn!” - chị phân trần.

 

Lễ tạ chủ yếu là giấy tiền, vàng mã, hương hoa và những xấp… đôla âm phủ. Một tập tiền đôla âm, mỗi tờ mệnh giá 100$, "tương đương" khoảng… 10.000$ tiền thật. Nếu quy đổi theo kiểu “trần sao âm vậy”, thì mỗi năm, dân buôn bán cũng "hốt bạc tỷ" nhờ vào lộc đền Bà.

 

Đã thành thông lệ, mùa lễ hội cũng là “mùa làm ăn” của các dịch vụ bán đồ lễ, viết sớ, khấn thuê, cúng thuê và… sắp lễ thuê.

 

Ngay từ đầu dốc Suối Hoa (cách đền Bà Chúa Kho gần 1km), những biển dịch vụ đã chen chân trên các vỉa hè để mời chào khách hành hương. Những dịch vụ này kéo dài cả cây số qua ngã ba đường tàu vào đến tận chân đền: đổi tiền lẻ, sắp lễ thuê, viết sớ, khấn nôm…

 

Vừa bước đến chân đền Bà, người đi lễ đã được một đám đông xúm đến tiếp thị. Giao cả hương hoa, vàng mã… cho họ, những người sắp lễ thuê sẽ hoàn thiện từ A đến Z. Chi phí cho “dịch vụ trọn gói” này, mỗi gia chủ mất khoảng 100 ngàn.

 

“Đi lễ chùa, không ai để ý nhiều đến chuyện đắt rẻ. Nhưng nhiều người đã bị “bắt bí” do vô lý không hỏi giá trước, đến khi thanh toán phải chịu giá cắt cổ lên đến bạc triệu. Cho nên, mình cứ cẩn thận tự chuẩn bị ở nhà là hơn!” - một khách lễ cho biết.

 

Khi những dịch vụ truyền thống này không còn “đất dụng võ”, dịch vụ sắp đồ và lễ trọn gói đã được hình thành. Những người làm nghề này là những “chân chạy”. Họ lên danh sách cho gia chủ số lượng lễ, lễ vào các cửa… và kiêm luôn việc khấn thay gia chủ.

 

Khi các thủ tục đã hoàn thành, công đoạn cuối cùng là hoá lễ tại “nhà hoá”, cũng có một đội đứng ra thay gia chủ làm nốt công việc này.

 

 “Khách thập phương về tạ lễ cả tháng nay, nên đền Bà không bị “quá tải” vào những ngày này. Thế nhưng, lúc nào nhà hoá cũng đỏ lửa, chứng tỏ “lễ tạ” của những người đi vay đầu năm không phải là ít!”  - một người trong Ban quản lý di tích đền Bà cho biết.

 

Tuy nhiên, sự “nhiệt tình” này đã gây khó chịu cho nhiều khách đi lễ đền. Không chỉ phải mất tiền trả dịch vụ trọn gói, gia chủ khi mang lễ đi hoá đều được nhóm người đứng trực ở nhà hoá “xin lộc”. Nhiều người đã phản ứng bằng cách tự mình hoá lễ.

 

Và sự cẩn thận của khách đi lễ đã khiến nhiều dịch vụ ăn theo lễ hội lâm vào cảnh như chợ chiều. Những “ông đồ” khăn xếp áo the viết sớ thuê chỉ ngồi… ngáp vặt vì vắng khách, các chủ dịch vụ thì chụm đầu ngồi buôn chuyện.