Ba năm về trước 60% hộ dân của xã vùng cao Dân Tiến (Võ Nhai) còn trong diện hộ nghèo. Sau các chương trình dự án đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, hợp với sức dân được triển khai đồng bộ, Dân Tiến đã và đang chuyển mình, hình ảnh nông thôn mới đang hiện ra nơi đây.
Nằm ở phía Đông Nam của huyện Võ Nhai, xã có diện tích tự nhiên gần 5.500ha, chủ yếu là đất đồi, rừng, đất nông nghiệp hơn 300ha, trong đó đất cấy lúa hai vụ chỉ có 180ha. Sống tập trung tại đây có gần 1.400 hộ với trên 6 nghìn nhân khẩu, gồm 7 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Hoa, Mông cư trú ở 14 xóm, bản. Do tập quán sản xuất lạc hậu, mang tính tự cung tự cấp, trồng cấy quảng canh theo một vụ lúa mùa nên sản phẩm làm ra chỉ đủ ăn, thậm chí chỉ đủ trong 6-7 tháng, thời gian còn lại đàn ông thì lên rừng săn bắn, khai thác lâm sản, phụ nữ thì kiếm củi, tìm măng lo bữa ăn qua ngày. Cuộc sống như vậy cứ trôi đi trong cái nghèo túng quẩn quanh, trong khi tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt.
Bí thư Đảng uỷ xã Lương Huy Bắc nhớ lại: "Đã nghèo khó thì bảo nhau làm ăn cũng khó, động đến đầu tư là vốn, là kinh nghiệm, là kiến thức… đều không có. Khuyến nông vào chỉ việc, rồi việc lại ra theo, vì dân không dám làm. Giờ nghĩ lại thấy thật xót xa: đất làm một vụ nên gia súc, gia cầm thả rông; điện đầu tư vào cũng chỉ để thắp sáng, nên lãng phí, thả rông, đường mở vào làng phong quan, rộng rãi thì người và gia súc đi chung, không đầu tư thì thiếu, đầu tư vào mà không sử dụng thì cũng lãng phí".
Xuất phát từ những suy nghĩ ấy, Đảng bộ xã đã quyết tâm xây dựng chương trình hành động thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, trên cơ sở phải thay đổi căn bản nhận thức của nhân dân. Khâu đột phá được ưu tiên bắt đầu từ chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, có sức cuốn hút thực sự bằng việc làm, bằng thu nhập. Từ sự quan tâm tạo điều kiện đó, đến nay 100% cán bộ, công chức xã được đào tạo chuẩn hóa 100% đội ngũ cán bộ, công chức xã, trong đó có 90% đạt trình độ văn hóa cấp 3; 100% có trình độ chuyên môn, chính trị tư trung cấp trở lên, các cán bộ bán chuyên trách là bí thư chi bộ, trưởng xóm có 70% đạt trình độ sơ cấp chính trị.
Từ năm 1999, đến nay, toàn xã được đầu tư nhiều hạng mục, công trình lồng ghép vốn Chương trình 135, 134 với số tiền trên 21 tỷ đồng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Hiện, trên 97% gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 98% nhân dân được nghe đài phát thanh và xem truyền hình; 80% hộ gia đình được sử dụng dịch vụ điện thoại; 52% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% nhân dân có bảo hiểm y tế; xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế và đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi... Bài tóan đặt ra đối với cán bộ đảng viên trong xã là phải tận dụng tối đa nguồn lực đã và đang đầu từ kết cấu hạ tầng của Nhà nước. Muốn vậy phải tích cực tuyên truyền, vận động và gương mẫu làm trước.
Năm 2000, toàn Đảng bộ xã chỉ có hơn 150 đảng viên, đến nay đã phát triển lên 229 đồng chí, trong đó đảng viên trong diện tuổi trẻ được Đoàn Thanh niên giới thiệu cho tổ chức Đảng chiếm trên 60%. Để thu hút được nhiều quần chúng ưu tú tham gia tích cực vào các tổ chức chính trị - xã hội, Đảng uỷ xã xây dựng các chỉ tiêu cụ thể với từng tổ chức đoàn thể, như: phải đáp ứng quyền lợi cho hội viên về thu nhập phải tăng, kiến thức, kỹ thuật khoa học phải dễ ứng dụng và ứng dụng hiệu quả, đảng viên phải gương mẫu, phải thu phục được quần chúng thông qua việc phân công phụ trách giúp đỡ hộ nghèo, khu vực dân cư. Thông qua các hoạt động tín chấp vay vốn, triển khai các chương trình dự án có hiệu quả, vốn vay ủy thác của các tổ chức đoàn thể xã để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế đạt 6,4 tỷ đồng cho 1.000 gia đình hội viên được vay, qua các hoạt động đã gắn kết được lợi ích của đoàn viên, hội viên với việc củng cố phát triển các chi hội và hội viên ở các xóm, bản.
Từ chỗ chỉ tiếp nhận các chương trình chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp một cách thụ động, đến nay, hầu hết các tổ chức đoàn thể đều chủ động tìm đến các mô hình ở các địa phương lân cận học tập kinh nghiệm, hoặc chủ động đón mời cán bộ khuyến nông về bản. Năm 2003, cây ngô lai chính thức bén rễ lên đất canh tác một vụ và cho kết quả tích cực. Tại mỗ ô mẫu đối chứng cho năng suất trên 50 tạ/ha. Năm 2004 diện tích ngô lai vụ đông được nhân rộng lên gần 100ha, năm 2005 được trồng liền ba vụ và mở rộng thêm trên 200ha đất đồi hoang hóa. Cứ như vậy diện tích ngô lai ngày càng mở rộng, dần thay thế đồi sắn, bãi mía, đưa hệ số sử dụng đất từ một lần/năm lên 2,3 lần trên tất cả các loại đất ruộng và đồi bãi, cho năng suất bình quân dạt trên 45tạ/ha.
Sau cây ngô lai, năm 2005 chương trình chăn nuôi lợn hướng nạc theo mô hình trang trại được triển khai rộng khắp, nhằm tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ. Đến năm 2008 xã đã có trên 100 mô hình chuồng trại chăn nuôi tập trung, gắn liền ứng dụng kỹ thuật sử dụng biogas trong gia đình. Nếu như năm 2005, sản lượng lợn thịt toàn xã mới chỉ đạt 100tấn/năm, đến nay đã vượt qua 300 tấn, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đời sống của nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 59% (năm 2005), đến nay giảm còn 31%. Từ chỗ là vùng đầu tư 100% vốn ngân sách Nhà nước, liên tục các năm từ 2004 đến nay, xã đã huy động được sức dân tham gia đối ứng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với số tiền gần 1tỷ đồng.
Dân Tiến hôm nay dẫu chưa thành một vùng quê trù phú, nhưng đã và đang là vùng đất nông nghiệp năng động, một đầu mối nông sản hàng hóa. Những nét phác thảo về một mô hình nông thôn mới nhiều sắc màu của vùng cao Võ Nhai đang dần trở thành hiện thực ở Dân Tiến.