Với sự vào cuộc, tuyên truyền vận động tích cực của cấp uỷ, chính quyền, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể, hơn 150 hộ dân của xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) chịu ảnh hưởng của Dự án đường tỉnh lộ 269 (Nam Hoà - Huống Thượng) đã đồng thuận hiến 2.050m2 đất làm đường.
Ngày 6/6/2008, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án công trình đường tỉnh lộ 269 (Nam Hoà - Huống Thượng), thuộc Dự án giao thông nông thôn 3, với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới WB và đối ứng ngân sách Trung ương và tỉnh. Theo đó, WB đảm nhận phần kinh phí xây lắp, địa phương lo kinh phí về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Chiều dài toàn tuyến đường là 3,93km chạy qua địa bàn hai xã Nam Hoà 1,3 km và Huống Thượng là 2,9km, đi qua các xóm: Bầu, Trám, Hóc, Đảm, Già và xóm Vò chè.. Theo thiết kế nền đường 6m, mặt đường 3,5m. Dự kiến trong quý I năm 2009 sẽ tiến hành đấu thầu để chọn ra nhà thầu có đủ năng lực thi công con đường.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của con đường đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo các xã chịu ảnh hưởng của Dự án phải làm tốt công tác GPMB. Nhưng kinh phí của địa phương còn hạn hẹp không đủ sức để chi trả tiền bồi thường nên để thực hiện được Dự án này phải trông vào sự đồng tỉnh ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, theo đồng chí Dương Xuân Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Huống Thượng, Phó Ban chỉ đạo GPMB xã: Mới đầu bà con cho rằng làm đường là có tiền đền bù nên nhiều hộ dân đòi được bồi thường, thậm chí còn nghĩ lãnh đạo xã giữ tiền đền bù không trả cho dân, khi đó chúng tôi phải lấy các văn bản chỉ đạo của huyện để làm căn cứ, phân tích giảng giải cho bà con hiểu. Rồi có nhiều hộ lại yêu cầu phải lấy tim đường cũ làm chuẩn, từ đó lấy đều sang hai bên để đảm bảo sự công bằng, chúng tôi phải giải thích là cần phải nắn một số đoạn để đảm bảo các yếu tố kỹ thuật của đường…
Không chỉ tích cực giải đáp những thắc mắc của bà con, UBND xã Huống Thượng còn triệu tập hội nghị với sự có mặt của đầy đủ các ban, ngành và đại diện 6 xóm có con đường đi qua để tuyên truyền về ý nghĩa của con đường; phân công cụ thể từng thành viên trong Ban chỉ đạo GPMB phụ trách các xóm, tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường. Đối với những hộ có thắc mắc, đại diện Ban chỉ đạo đến tận nhà để tìm hiểu, phân tích và giải đáp các thắc mắc cho bà con. Ngoài ra, Đảng uỷ xã đã chỉ đạo các chi bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể ở các xóm cùng vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép với các buổi họp xóm hoặc những buổi sinh hoạt các đoàn thể; chỉ đạo các đảng viên phát huy vai trò nòng cốt đầu tầu gương mẫu…
Nhờ đó, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của xã đã cơ bản hoàn tất với 100% số hộ chịu ảnh hưởng của dự án đồng thuận hiến đất để làm đường. Đơn cử như gia đình ông Cao Văn Y, 80 tuổi, một đảng viên ở xóm Vò Chè đã phá bỏ cả cổng, tường rào vừa xây dựng trị giá gần chục triệu đồng để cho con đường đi qua. Ông cho biết: "Tôi tuổi đã già chẳng sống được bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ thế hệ chúng tôi đã khổ, đi lại khó khăn nên kinh tế không phát triển được, nay Nhà nước cho làm đường mình phải ủng hộ.
Anh Nguyễn Ánh Linh, xóm Vò Chè, người có diện tích đất hiến nhiều nhất xã thì tâm sự: "Khi thấy chính quyền thông báo nhà tôi mất 210m2, vợ tôi không đồng ý, bởi diện tích đất này là vườn cây ăn quả của gia đình, mỗi năm cho thu nhập 2-3 triệu đồng. Nhưng tôi đã giải thích cho cô ấy hiểu rằng nay gia đình mình hy sinh cái lợi trước mắt nhưng sẽ được cái lợi lâu dài cho con cháu mình nên vợ tôi đã hiểu ra và vui vẻ đồng ý hiến đất". Cũng từ suy nghĩ này, 150 hộ dân thuộc xã Huống Thượng đã đồng lòng ủng hộ, tình nguyện hiến hơn 2.000m2 đất với mục đích chung là để địa phương sớm có con đường nhựa mới đi qua.