Khi vai trò của hội được phát huy

16:15, 07/01/2009

Trao đổi với chúng tôi về vai trò hoạt động của Hội Nông dân huyện Phú Lương, bà Ma Thị Kiên, xóm Đồng Quốc, xã Yên Trạch tâm đắc: Tham gia sinh hoạt Hội, nông dân chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức với KHKT sản xuất, thâm canh hiện đại. Với chúng tôi, tổ chức Hội thật sự là điểm tựa, là ngôi nhà chung để nông dân gắn bó.

Bà Ma Thị Kiên là một trong 16.214 hội viên Hội Nông dân huyện Phú Lương. Động cơ khiến bà Kiên, cũng như những nông dân khác gắn bó với tổ chức Hội, bởi Hội Nông dân huyện đã thật sự phát huy được vai trò là điểm tựa vững chắc cho nông dân trên mặt trận phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Ông Nông Văn Thịnh, Chủ tịch Hội cho biết: Chỉ riêng năm 2008, Hội đã phát triển mới được 577 hội viên, so với số hộ nông nghiệp, nông dân tham gia sinh hoạt Hội chiếm 83,3%.

 

Trong năm qua, các cấp hội nông dân Phú Lương đã có 19.451 lượt hội viên được nghe tuyên truyền, học tập, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... 14.578 lượt hội viên được cơ quan chuyên môn như Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trạm Khuyến nông tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông - lâm sản. Qua đó nhận thức cũng như trình độ sản xuất của hội viên nông dân được nâng cao. Đặc biệt là các lớp tập huấn chuyển giao KHKT sản xuất cho hội viên nông dân, Hội xây dựng phù hợp với từng khu vực kinh tế trong huyện, như: Tại các vùng chè của xã Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô... nông dân được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất chè an toàn. Tại các xã Phấn Mễ, Hợp Thành, Động Đat... nông dân được tham dự các lớp tập huấn về sản xuất cây lương thực, rau màu.

 

Còn ở các xã có nhiều đồi đất dốc như Ôn Lương, Yên Đổ, Yên Trạch, Yên Ninh... Hội vận động nông dân đầu tư phát triển kinh tế vườn đồi. Ngay bên khu rừng rộng gần 2 ha của gia đình, ông Nguyễn Xuân Anh, xã Động Đạt cho chúng tôi biết: Nhờ cán bộ Hội Nông dân về tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế đồi rừng, tập quán canh tác của người dân địa phương dần thay đổi. Trước đây, nông dân nơi cửa rừng quen với việc chặt cây, xẻ gỗ, còn bây giờ bà con bảo nhau đi trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Nhờ vậy, cả vùng đất lau lách trước đây, giờ là rừng keo lai, bạch đàn xanh tốt.

 

Trong phát triển kinh tế, Hội luôn có mặt kịp thời để tiếp sức cho nông dân vượt khó. Đó là việc thông qua hoạt động phối hợp giữa tổ chức Hội với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, hàng trăm lượt nông dân đã được vay vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất. Hiện dư nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội trong hội viên nông dân đạt trên 33 tỷ đồng. Hội các cấp ở huyện còn mạnh dạn đứng ra tín chấp với Công ty cổ phận Vật tư Nông nghiệp Thái Nguyên để  ứng trước gần 1.000 tấn phân bón các loại cho hội viên nông dân. Cũng trong năm 2008, Hội phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ Hội Nông dân tỉnh tổ chức dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 60 học viên tại 2 lớp chuyển giao công nghệ chế biến chè sạch, chăn nuôi thú y ở 2 xã Yên Lạc và Động Đạt. Đồng thời Hội phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức được 9 lớp đào tạo về kỹ thuật trồng và chăm sóc chè an toàn; cách hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất mây tre đan cho hơn 300 lượt hội viên nông dân các xã Vô Tranh, Tức Tranh và Ôn Lương.

 

Những khó khăn về vốn, về vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và kỹ thuật sản xuất được giải quyết kịp thời, việc sản xuất mùa vụ của người nông dân được chủ động, nên số hộ nghèo là hội viên Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã giảm nhanh, từ 2.500 hộ năm 2007 xuống còn 2.300 hộ hiện nay. Toàn huyện có 7 hộ gia đình hội viên Hội Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được Hội Nông dân tỉnh khen thưởng.