Không có việc ‘rút ruột’ một số hạng mục công trình thuộc Nhà tưởng niệm Bác Hồ như một số thông tin đã đưa

11:03, 22/01/2009

Thời gian gần đây dư luận tỉnh Thái Nguyên xôn xao bởi trên môt số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc có sự “hậu thuẫn” của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Thái Nguyên với doanh nghiệp để “phù phép” rút ruột công trình trong quá trình đúc một số bức tượng đồng đặt tại Khu di tích Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Vậy đâu là sự thật?

Công trình Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh Đèo De xã Phú Đình (Định Hóa)được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2005). Tổng kinh phí xây dựng của công trình là trên 10 tỷ đồng, do cán bộ, nhân dân T.P Hà Nội tặng. Với phương thức bàn giao “chìa khoá trao tay”, toàn bộ công trình này, tỉnh đã giao cho Sở VH,TT&DL tổ chức quản lý, bảo vệ, phục vụ du khách đến tham quan, thắp hương tưởng nhớ Bác. Công trình nằm trong quần thể các di tích của an toàn khu trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ khi công trình đưa vào sử dụng đến nay, nhất là trong Năm du lịch Quốc Gia-Thái Nguyên 2007, đã có hàng nghìn lượt đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, dâng hương.

 

Để hoàn chỉnh Nhà tưởng niệm Bác Hồ, phục vụ nhu cầu của đông đảo nhân dân đến dâng hương, tưởng nhớ Người, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã vận động các nhà doanh nghiệp, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đóng góp đúc các bức tượng đồng đặt trong quần thể của khu di tích. Ông Lê Văn Kiểm, Tổng Giám đốc Công ty Golf Long Thành Đồng Nai đã quyết định tài trợ đúc bức tượng đồng "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" đặt tại Nhà trưng bày ATK Định Hoá. Căn cứ vào thoả thuận và thống nhất với Sở VH,TT&DL Thái Nguyên về việc giúp đỡ gia đình ông Lê Văn Kiểm trong việc đúc tượng, được thể hiện tại hợp đồng số 09, ngày 8/3/2008 với Công ty TNHH Cơ khí đúc Tiến Hùng (Nam Định) với kinh phí được phê duyệt và gia đình ông Kiểm chấp thuận là 974.013.000 đồng. Sở VH,TT&DL đã thực hiện theo đúng yêu cầu của nhà tài trợ đó là tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật là chấp hành nghiêm túc các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính trong việc đấu thầu, mua sắm tài sản; Quy chế về quản lý xây dựng tượng đài và tranh hoành tráng của Bộ Văn hoá-Thể thao (nay là Bộ VH,TT&DL). Đồng thời tiến hành ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn giám sát kỹ thuật công trình. Chủ động tham mưu với UBND tỉnh trong việc thành lập Hội đồng nghệ thuật để giám sát kỹ thuật công trình. Sở đã làm các thủ tục và ký hợp đồng với ông Nguyễn Hữu Mão, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Tiến Hùng (Nam Định) thực hiện đúc tượng Bác.

 

Lễ khởi công đúc tượng có mặt lãnh đạo, các cơ quan chức năng của tỉnh, nhà tài trợ. Khi hoàn thành, tại biên bản nghiệm thu đã nêu rõ: Bức tượng được đúc đúng quy trình, thiết kế, có độ dày bình quân 2cm, chứ không phải 0,8-0,9 cm và không bị xuống cấp phải hàn, xì, dặm vá rồi phủ nhũ đồng như một số thông tin đã đưa. Điều đó được chính nhà tài trợ là gia đình ông Lê Văn Kiểm xác nhận tại văn bản số 141, ngày 19/5/2008 gửi UBND tỉnh Thái Nguyên: “Tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc theo phác thảo mẫu Sở VH,TT&DL đã thống nhất với gia đình tôi vào tháng 1/2008. Trong quá trình đúc tượng tôi luôn có mặt và phối hợp cùng Sở VH,TT&DL khảo sát, kiểm tra, bàn bạc và thống nhất nên tôi rất hài lòng đồng ý về chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật cũng như tổng thể pho tượng. Xin kính tặng cho tỉnh Thái Nguyên tại lễ khánh thành”.

 

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 5/1/2009, ông Phạm Bình Định, Chánh Thanh tra tỉnh đã ký báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo gửi UBND tỉnh, trong đó đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với các cơ quan pháp luật làm rõ hành vi tố cáo không có bằng chứng của cá nhân...theo Luật Khiếu nại, tố cáo.

 

Về thông tin “ăn bớt” trọng lượng khi đúc Đại lư hương đồng, Khánh đồng đặt tại Nhà tưởng niệm, ngay trong văn bản số 141 gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Lê Văn Kiểm đã nêu rõ: “Chúng tôi nhất trí thay phần đế tượng bằng gỗ lim có chạm trổ bằng hoa văn 4 phía để hài hoà với không gian nhà trưng bày. Phần chân đế bằng đồng được đổi sang đúc Đại lư hương đặt tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đèo De, Phú Đình, Định Hoá, có khắc dòng chữ gia đình cựu chiến binh Lê Văn Kiểm, Tổng Giám đốc Công ty Golf Long Thành, Đồng Nai cung tiến”. Tại báo cáo xác minh của Chánh Thanh tra tỉnh đã khẳng định: “Sở VH,TT&DL báo cáo là hai hiện vật trên do các tổ chức và cá nhân hảo tâm cung tiến bằng hiện vật, đều đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Không phải do Sở VH,TT&DL thực hiện hợp đồng đúc”.

 

Một nội dung được đông đảo bạn đọc quan tâm là trong đơn có tố cáo việc đưa, nhận tiền cho cán bộ Sở VH,TT&DL. Tại phần kết quả xác minh, báo cáo của Thanh tra tỉnh đã khẳng định: Nội dung tố cáo không có bằng chứng, không có cơ sở kết luận.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở VH,TT&DL khẳng định: “Công trình Nhà tưởng niệm Bác Hồ là tấm lòng của Đảng bộ, nhân dân T.P Hà Nội-Thủ đô Hoà Bình tặng Thủ đô kháng chiến. Các bức tượng và hiện vật khác được đặt tại đây do các doanh nghiệp hảo tâm, nhân dân các dân tộc trong tỉnh cung tiến với tấm lòng biết ơn, tôn kính Bác sâu sắc. Công trình là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, là điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Với trách nhiệm là ngành chủ quản phụ trách công trình này, Sở VH,TT&DL đã làm tròn chức trách được giao. Những nội dung tố cáo và thông tin trên một số phương tiện đại chúng là bịa đặt, vu khống, nhằm mục đích gây rối sự việc, ảnh hưởng đến uy tín của Sở VH,TT&DL, cũng như xúc phạm đến danh dự của các nhà tài trợ và những người có liên quan đến việc đúc tượng”.