Nhìn lại công tác giải phóng mặt bằng Quốc lộ 37 ở Phú Bình

10:08, 15/01/2009

Sau 3 năm triển khai Dự án "Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 37" ở Phú Bình, đến nay, về cơ bản, công tác giải phóng mặt bằng ở đây đã hoàn thành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác này đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc…

Dự án "Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 37" chính thức được triển khai ở Phú Bình từ đầu năm 2006, với chiều dài trên 19km, đi qua 6 xã, thị trấn gồm: Thượng Đình, Điềm Thuỵ, Nhã Lộng, Xuân Phương, Kha Sơn và thị trấn Hương Sơn. Mặc dù diện tích thu hồi toàn tuyến chỉ là 8,12ha nhưng có đến 1.738 hộ và tổ chức có đất và tài sản trên đất bị thu hồi, trong đó đất nông nghiệp có 4,83ha, đất ở 3,06ha và đất chuyên dùng 2,23ha.

 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên ngay từ khi triển khai, cấp uỷ và các ban, ngành liên quan của huyện Phú Bình đã vào cuộc với tinh thần quyết tâm, nhanh chóng; nhiều phòng, ban của huyện và lãnh đạo 6 xã liên quan đã phải làm việc cả những ngày nghỉ, ngày lễ. Huyện đã thành lập 4 đoàn công tác, do đồng chí Chủ tịch UBND huyện trực tiếp điều hành. Với phương châm "Khó ở đâu, gỡ ở đó", hàng tuần, các tổ công tác này đều phải báo cáo tiến độ thực hiện Dự án với đồng chí Chủ tịch UBND huyện để có sự chỉ đạo nhanh chóng, hiệu quả. Do vậy , công tác giải phóng mặt bằng của huyện về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhà thầu và đơn vị thi công.

 

Đến nay, 4/6 xã đã có mặt bằng sạch, gồm: Kha Sơn, Xuân Phương, Nhã Lộng, Thượng Đình. 2 đơn vị là xã Điềm Thuỵ và thị trấn Hương Sơn hiện còn 32 hộ dân chưa nhất trí với phương án bồi thường. Cụ thể, ở xã Điềm Thuỵ còn 20 hộ dân đòi bồi thường phần diện tích đất đã được Nhà nước thu hồi năm 1998-2000 khi thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 37 lần 1, đòi bồi thường đất nông nghiệp sang đất ở; thị trấn Hương Sơn còn 12 hộ đòi bồi thường phần diện tích đất đã được Nhà nước lấy theo quy hoạch năm 1993. Những hộ có vướng mắc đều đã được UBND huyện giải quyết nhiều lần nhưng chưa nhất trí, trong số đó, một số hộ đã chuyển đơn lên các cơ quan chức năng của tỉnh.

 

Theo kế hoạch, tháng 12-2007, huyện Phú Bình phải bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công nhưng đến nay, việc bàn giao này vẫn chưa thực hiện được. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nguyên nhân của việc chậm trễ này trước hết phải kể đến cơ chế, chính sách về đất đai của Nhà nước liên tục thay đổi, trong khi đó, trình độ, năng lực cán bộ làm công tác này từ huyện đến xã của Phú Bình vừa yếu, vừa thiếu khiến việc kiểm đếm, tính đền bù ở một số hộ dân không chính xác. Đã có gần 200 đơn thư của công dân đề nghị huyện xem xét, giải quyết, trong đó, có 2 đơn tố cáo và 2 đơn khiếu nại. Vì thế, cùng với việc giải phóng mặt bằng, các ban, ngành liên quan của huyện Phú Bình đồng thời phải quan tâm giải quyết đơn thư của công dân.

 

Cũng do hạn chế về trình độ, năng lực của cán bộ địa chính và sự chỉ đạo thiếu sâu sát của cấp uỷ chính quyền các cấp nên việc chỉnh lý, lưu trữ hồ sơ địa chính từ xã đến huyện không thường xuyên, đầy đủ. Đơn cử như việc nhiều hộ dân đã tiến hành việc chia, bán đất nhưng cán bộ địa chính xã, thị trấn không trừ phần diện tích đó vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nên khi thu hồi, nhiều hộ dân vẫn yêu cầu huyện phải đền bù theo diện tích ghi trong GCNQSDĐ; hay như việc, năm 1993, Chi cục Quản lý Ruộng đất đo đạc Bắc Thái (nay là Sở Tài Nguyên và Môi trường) đã có bản đồ chỉ giới đường nội thị Phú Bình rộng 19m nhưng do phòng, ban chuyên môn của huyện không lưu trữ được bản đồ và những giấy tờ có liên quan nên khi tính đền bù, nhiều hộ dân vẫn đề nghị huyện phải đền bù phần đất cách tim đường từ 7,5m trở vào thay vì 9,5m. Do đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện lại phải mất thêm một thời gian để tìm lại tài liệu… Cá biệt, ở xã Điềm Thuỵ và xã Thượng Đình, tổ công tác của huyện còn tiến hành kiểm đếm và đền bù cho 6 hộ dân cả phần đất chuyên dùng (đất của Nhà nước trước kia làm cầu). Chỉ khi người dân ở đó phát hiện, gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh thì sự vịêc mới được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, theo ông Ngô Tiến Cử, Trưởng xóm Hanh, xã Điềm Thuỵ- một trong những hộ dân có đất được đền bù "nhầm" thì ở xóm Hanh, không phải chỉ có 5 hộ được đền bù cả phần đất của Nhà nước mà một số hộ khác trong xóm cũng được đền bù nhầm như thế nhưng lại không bị truy thu.

 

Cũng trong quá trình giải phóng mặt bằng Quốc lộ 37, cơ quan chức năng huyện Phú Bình đã phát hiện 11 GCNQSDĐ ở xã Điềm Thuỵ và Thượng Đình giả mạo, mà theo kết luận của Công an huyện thì 11 GCNQSDĐ này là không có trong hồ sơ lưu trữ và hệ thống quản lý của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; số GCNQSDĐ mà các hộ dân này được cấp thực tế trước đó đã cấp cho người khác.

 

Ngoài những nguyên nhân trên, việc giải phóng mặt bằng Quốc lộ 37 ở Phú Bình chậm còn phải kể đến nhận thức của người dân còn hạn chế về chế độ, chính sách bồi thường của Nhà nước. Không ít hộ dân dù đã được triển khai học tập nhưng vẫn gửi đơn đề nghị đến cơ quan chức năng của huyện với suy nghĩ được thì tốt, không được thì thôi, hoặc thấy người khác thắc mắc, cũng thắc mắc theo… Nhà thầu, đơn vị thiết kế thỉnh thoảng lại có sự thay đổi thiết kế, khiến việc kiểm đếm đất và tài sản trên đất của người dân phải tiến hành nhiều lần…

 

Để có mặt bằng sạch cho toàn Dự án trong quý I-2009, theo đồng chí Ngô Quang Khải, Bí thư Huyện uỷ Phú Bình thì hiện huyện đang đẩy mạnh việc chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát vào các quy định của Nhà nước để thuyết phục các hộ dân thực hiện đúng chính sách Nhà nước; kiểm tra, xem xét những vấn đề vướng mắc của các hộ để giải quyết theo quy định của pháp luật; với những hộ đã có kết luận của cơ quan chức năng mà không chịu thực hiện, huyện sẽ tiến hành cưỡng chế thi công…