Nồng ấm nghĩa tình

16:27, 20/01/2009

Gần 100 người già, trẻ mồ côi, trẻ sơ sinh không nơi nương tựa tụ dưới mái nhà Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Nguyên, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng không ai thấy mình cô đơn trong dịp Tết Nguyên đán này.

Đưa chúng tôi đi thăm nơi ăn nghỉ của các cụ già và trẻ mồ côi, ông Hoàng Văn Triệu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh cho biết, Tết năm nay, mỗi đối tượng của Trung tâm được hưởng 25 nghìn đồng/ngày nhưng với giá cả đắt đỏ, Trung tâm đã trích thêm cho mỗi người từ 15- 20 nghìn đồng/ngày để đảm bảo cho các cụ già và trẻ được ăn Tết thật đầy đủ. Đây là số tiền có được do các cán bộ của Trung tâm làm tăm tre trong năm 2008. Cũng từviệc làm thêm này, vào những dịp lễ khác trong năm, các đối tượng của trung tâm đều được tăng cường thêm chế độ.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là cụ bà Nguyễn Thị Túc, 91 tuổi.Bà Túc nguyên là công nhân Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ (hiện nay là Công ty Cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ) về nghỉ hưu năm 1970. Bà là người gốc quê lúa Thái Bình. Trước khi về làm công nhân Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, bà đã từng là đội viên Đội tự vệ Hải Phòng rồi làm công nhân Nhà máy diêm Thống Nhất. Đã từng đi nhiều nơi, làm nhiều việc khác nhau nhưng Thái Nguyên là mảnh đất bà gắn bó nhất cả về tình cảm con người và chiều dài thời gian. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, lại bị căn bệnh huyết áp cao, thần kinh tọa và bệnh khớp hành hạ, bà không thể đi lại nhiều nhưng vẫn rất minh mẫn.  Miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay cầm bộ quần áo mới khoe với chúng tôi rằng mới được Trung tâm may cho để bà mặc Tết. Bà tâm sự: “Hơn 10 năm đón Tết ở Trung tâm nhưng chẳng năm nào tôi cảm thấy buồn chán hay cô đơn vì ngoài những người bạn già, cháu nhỏ còn có các đồng chí lãnh đạo, cán bộ của Trung tâm thăm hỏi thường xuyên”.

Khác với bà Túc, bà Nguyễn Thị Liên có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bà Liên trước đây công tác tại Công ty Xây dựng Bắc Thái. Do không đảm bảo sức khỏe nên bà về nghỉ từ năm 1980. Bà Liên có chồng, có con nhưng không ai nhận chăm sóc bà. Do sức khỏe yếu không thể tự làm việc để nuôi sống bản thân, bà Liên đã đến với Trung tâm hơn chục năm nay. Cuộc sống ở đây đã đem đến cho bà một mái ấm thực sự. Bà Liên tâm sự: “Bao nhiêu tủi buồn khi nghĩ về gia đình đều tan biến bởi sự quan tâm bảo trợ của Nhà nước, của tỉnh và cuộc sống đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau trong Trung tâm.”

Với trẻ mồ côi của Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, chúng đã chuẩn bị nhiều dự định về Tết. Chúng khoe quần áo mới, khoe được đi chơi, thăm họ hàng, khoe được ăn những món ăn mà chỉ ngày Tết mới có. Cháu Lê Văn Vương, học sinh lớp 9 tươi tắn: “Năm nay, cháu lại được bác đón về ăn Tết vui lắm. Cháu về lại được gặp ông và bà”. Còn cô bé Long Bích Ngọc cho biết “Cháu chả cần về nhà bác ăn Tết như anh Vương, cháu ăn tết với bố cháu.” Thấy sự ngỡ ngàng của tôi, ông Hoàng Văn Triệu giải thích “Tụi trẻ đều gọi tôi là bố. Các cháu hầu hết được người thân đón về ăn Tết, những đứa trẻ còn lại thì hằng năm tôi đều đưa chúng về nhà ăn tết với gia đình. Tụi trẻ cũng rất hào hứng về điều đó.”

Không chỉ có sự quan tâm trực tiếp của Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, những người già cô đơn, trẻ mồ côi còn nhận được nhiều sự quan tâm khác của lãnh đạo tỉnh, của các đơn vị và cả các cá nhân hảo tâm. Ông Triệu cho biết, giống như mọi năm, những ngày giáp Tết thường xuyên có người đến tặng quà, chúc Tết các đối tượng của Trung tâm. Đây là sự an ủi, động viên tinh thần rất lớn cho các cụ già và trẻ mồ côi.

Chia tay các cán bộ, các cụ già và trẻ mồ côi ở đây, chúng tôi cảm nhận không khí của một mùa xuân mới đang đến với mỗi nhà, mỗi người. Và đặc biệt hơn cả là mùa xuân mới đang đến với những con người của Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh trong nghĩa tình nồng ấm.