Thức dậy những đồi hoang

13:54, 14/01/2009

Sau 10 năm triển khai Dự án trồng rừng 661 (1999-2009), Thái Nguyên trồng mới đ­ược hơn 23.000 ha rừng, trong đó có 13.150 ha rừng phòng hộ, 10.935 ha rừng sản xuất, với trên 50.000 l­ượt hộ sinh sống ở trên 500 xóm, bản thuộc hơn 100 xã, phường, thị trấn tham gia. 

Quần xắn móng lợn, chúng tôi cùng lội bộ đi thăm rừng. Sau gần nửa giờ trên con đường ngúc ngoắc trơn trượt dốc, chúng tôi vào đến khu rừng Cầu Lân, xã Động Đạt huyện Phú Lương. Gặp ngay bên sườn đồi thoải dốc trông lỗ trỗ, đều đặn từng hố đỏ ối như tổ ong-đó là các hố đất do người dân địa phương mới đào để chuẩn bị cho việc trồng cây vụ Xuân 2009. Ông Trần Xuân Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết: Năm nay, Dự án 661 của tỉnh dự kiến thực hiện trồng mới 3.500 ha rừng, trong đó 750 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; 3.750 ha rừng sản xuất.

 

Nhìn đồi đất Cầu Lân xanh mướt cây rừng, dưới chân có hồ nước trong vắt khiến mọi người liên tưởng tới một vùng du lịch sinh thái. Ông Hoàng Văn Tuấn, một nông dân trồng rừng ở Cầu Lân cho biết: Vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, cư dân ở đây chỉ biết chặt cây rừng, còn từ chục năm trở lại đây, người dân đã biết trồng rừng kinh tế... Nói rồi ông đưa chúng tôi đi qua từng khu rừng, cây mỡ, keo lai, bạch đàn gióng hàng đều tắp, để đến chỗ có 2 ha rừng vừa đầy năm tuổi của gia đình. Ông mộc mạc tiếp lời: Sau 1 năm, cán bộ Dự án 661 của Chi cục Lâm nghiệp và của huyện về kiểm tra thực tế, đồi cây mới trồng có tỷ lệ cây sống đạt gần 90%.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Kỹ thuật Chi cục Lâm nghiệp cho biết thêm: Rừng 661 của tỉnh được trồng trên địa bàn của 9 huyện, thị và thành phố, tỷ lệ cây sống đạt trung bình 85%... Qua câu chuyện với bà Hà, tôi biết: Để người dân có điều kiện hơn trong việc trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng, từ năm 2009 Dự án có hỗ trợ cho mỗi ha 6 triệu đồng, tăng 3,5 triệu so với những năm trước đây. Hết chu kỳ rừng sản xuất từ 7 đến 10 năm, người trồng rừng được hưởng toàn bộ sản phẩm rừng và nộp lại cho Nhà nước số tiền tương đương 80 cân thóc.

 

Cơ chế chính sách rõ ràng đã tạo cho người nông dân tự tin hơn trong việc tham gia phát triển rừng kinh tế. Ngay như ông Tống Đình Ta, xóm Xuân Trường, xã Ôn Lương từng nhiều năm đi thoát ly, nhưng tới tuổi gần bẩy mươi mới bắt đầu bỏ cây sắn, trồng cây rừng trên đồi đất Nhà nước giao cho gia đình quản lý. Kể từ năm 2006 đến nay, gia đình ông Ta đã trồng được hơn 4 ha rừng kinh tế. Ông khoe: Năm 2008, gia đình tôi còn trồng được 0,5 ha cây keo tai tượng hạt giống nhập từ Úc. Ông xăm xắn đưa chúng tôi đi thăm rừng cây keo Úc, mới chưa đầy năm tuổi, cây nào cũng đã cao ngập đầu người...

 

Chuyện làm kinh tế rừng khiến ai nấy phấn chấn, nhất là khi được tận mắt thấy những ngôi nhà xây khang trang thấp thoáng dưới bóng rừng. Bà Hoàng Thị Hồng, xóm Đồng Phủ, một trong những nông dân trồng rừng giỏi của xã Yên Ninh (Phú Lương) đã tâm sự với chúng tôi: Trồng rừng không vất vả như việc trồng cây mố, cây sắn. Năm 2007 gia đình tôi có 2 ha rừng đến chu kỳ khai thác, bán được 60 triệu đồng. Năng suất rừng đạt thấp vì gia đình tôi sợ cây chết nên trồng dày, khi rừng khép tán lại tiếc cây nên không tỉa thưa, khi thu hoạch được nhiều cây nhưng giá trị không cao.

 

Để tôi hiểu đầy đủ hơn, bà Nguyễn Thị Thanh Hà giải thích: Những năm đầu mới triển khai Dự án 661, nhiều nông dân còn trồng dày cây, vừa tốn công, tăng chi phí cây giống mà sản lượng rừng đạt thấp. Dễ hiểu hơn là mật độ cây dày, độ quang hợp ánh sáng của cây bị hạn chế, bộ rễ chậm phát triển nên đến một giai đoạn nhất định thì cây đứng vậy... Bà Hà cho biết thêm: Theo quy trình kỹ thuật trồng rừng mới áp dụng từ năm 2009, trên diện tích 1 ha với rừng hỗn giao và rừng phòng hộ, mật độ trồng 500 cây/ha; rừng thuần loài mật độ 1.660 cây/ha, giảm hơn gần 50% số cây giống, số ngày công đào hố, công trồng, công chăm sóc so với kỹ thuật trồng rừng trước đây. Mỗi ha tiết kiệm được 2,3 triệu đồng, nhưng rừng sẽ cho cây to, gỗ tốt, năng suất rừng không giảm, giá trị kinh tế đạt cao hơn so với cách trồng rừng trước đây.

 

Ông Trần Xuân Chiến cho biết thêm: Từ năm 2008 Chi cục Lâm nghiệp đã triển khai trồng 72,7 ha rừng cây keo Úc theo quy trình kỹ thuật mới, mật độ 1.660 cây/ha tại huyện Định Hoá và huyện Phú Lương. Qua kiểm tra, đánh giá tỷ lệ cây sống đạt khoảng 90%, cây phát triển tốt. Do vậy năm 2009 này, quy trình kỹ thuật trồng rừng mới được Chi cục triển khai áp dụng trên toàn bộ diện tích, trong đó có 2.600 ha rừng keo Tai Tượng hạt giống nhập từ Úc.