Thực hiện Chương trình 135 ở Đại Từ: Còn nhiều bất cập

09:04, 05/01/2009

Trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình 135 ở Đại Từ vẫn còn bộc lộ những tồn tại từ phía cơ sở, khiến một số dự án của Chương trình không mang lại hiệu quả như mong muốn; tiến độ xây dựng một số công trình chậm; thời gian thanh, quyết toán vốn chậm; một số công trình không đảm bảo chất lượng…

Cô vào trò Trường tiểu học xã Quân Chu (Đại Từ) ai cũng phấn khởi, vì trên nền đất trước kia là những gian phòng học tạm bợ nay đang hình thành 8 phòng học 2 tầng khang trang, được xây dựng bằng nguồn vốn của Chương trình 135. Niềm vui nối tiếp niềm vui, bởi từ nguồn vốn này, xã Quân Chu còn có điều kiện đầu tư xây dựng, mở rộng đường xá; đầu tư cho sản xuất giúp người dân từng bước xoá đói giảm nghèo; hỗ trợ cải thiện các dịch vụ nâng cao đời sống nhân dân... Xã Quân Chu là 1 trong 11 xã của huyện Đại Từ được hưởng Chương trình này với tổng số vốn đầu tư năm 2008 là hơn 9 tỷ đồng.

 

Hầu hết các xã 135 còn nhiều khó khăn về hạ tầng cơ sở, trình độ sản xuất còn thấp, đặc biệt các hộ nghèo thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn và kiến thức KHKT. Xét về tính ưu việt của Chương trình 135 thì nhiều, vì đây là một trong những chương trình lớn của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần giúp đỡ các xóm, xã vùng sâu, vùng xa tháo gỡ những khó khăn, có điều kiện vươn lên cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Thế nhưng, trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình vẫn còn bộc lộ những tồn tại từ phía cơ sở, khiến một số dự án của Chương trình không mang lại hiệu quả như mong muốn; tiến độ xây dựng một số công trình chậm; thời gian thanh, quyết toán vốn chậm; một số công trình không đảm bảo chất lượng…

 

Tham gia chuyến công tác của đoàn cán bộ tỉnh về kiểm việc thực hiện Chương trình 135 ở huyện Đại Từ, được trực tiếp chứng kiến và lắng nghe, chúng tôi càng thêm thấu hiểu những khó khăn, bất cập từ cơ sở, khi Chương trình này được giao về cho xã làm chủ đầu tư.

 

Tại xã Quân Chu, cả hội trường đã cười ồ khi có một cán bộ xã đứng lên phát biểu về việc nhà thầu làm ăn còn thiếu trách nhiệm, cho rằng vị cán bộ này thiếu hiểu biết khi phê phán điều đó vì chương trình đã được giao về cho xã làm chủ đầu tư. Nhưng chúng tôi lại thấy đây mới là vấn đề huyện Đại Từ cần xem xét, bởi trên thực tế, danh nghĩa xã làm chủ đầu tư nhưng chưa chắc đã trực tiếp được tuyển chọn nhà thầu và công tác giám sát cộng đồng cũng không được thực hiện chặt chẽ theo quy định, nên mới để xảy ra chuyện: Xã làm chủ đầu tư, nhưng không ưng ý nhà thầu? Còn về nguyên nhân việc giải ngân vốn chậm, Bà Đinh Thị Lộc, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Đại Từ cho rằng: Hầu như đội ngũ Chủ tịch UBND các xã 135 chỉ trông chờ vào đội ngũ kế toán xã, trong khi năng lực chuyên môn của đội ngũ này còn hạn chế. Ngành chức năng phải mất rất nhiều thời gian hướng dẫn vẫn không thể hoàn tất được một bộ hồ sơ hoàn chỉnh theo đúng quy định; thậm chí văn bản chỉ cần điền vào cũng không điền đúng. Mặt khác, về mặt thủ tục hồ sơ để giải ngân vốn cũng còn rất rườm rà, chia nhỏ lẻ, mặc dù số vốn là không lớn, gây khó khăn cho ngành chức năng và các địa phương được hưởng Chương trình.

 

Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện thì cho biết: Việc hỗ trợ các nội dung của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cơ bản phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên một số nội dung chưa sát với từng xã, thôn, xóm, chưa phù hợp với định hướng phát triển tổng thể lâu dài của từng địa phương. Việc đối ứng của hộ nghèo trong các nội dung hỗ trợ như mua trâu, bò, máy móc, thiết bị còn gặp nhiều khó khăn do các hộ dân không có đủ kinh phí đối ứng. Do mới làm chủ đầu tư các dự án nên các xã còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Định mức đầu tư cho một xã, xóm thấp so với thực tế tại địa phương do giá cả thị trường không ngừng biến động, tăng cao. Việc lựa chọn mặt bằng xây dựng công trình có xã còn khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm; công tác phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn của huyện với các xã đôi khi chưa được chặt chẽ, dẫn đến việc không thống nhất được quy mô xây dựng. Thực hiện chính sách hỗ trợ các dịch vụ theo Quyết định 112/QĐ-TTg còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình rà soát, xác định đối tượng được chính sách phải qua nhiều cấp, nhiều ngành tham gia thực hiện. Tỷ lệ giảm nghèo ở các xã 135 chưa bền vững, số hộ thoát nghèo năm trước năm sau lại tái nghèo…

 

Để Chương trình 135 thật sự mang lại ý nghĩa và hiệu quả như mong muốn, thì việc tìm ra giải pháp để khắc phục và hạn chế những nguyên nhân tồn tại là việc làm quan thiết ngay lúc này đối với các cấp ngành có liên quan…