Từ đỉnh đèo De (Phú Đình, Định Hóa), nơi Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếng chuông báo công với Người cha già dân tộc hằng ngày vang xa, vọng vào thẳm sâu núi rừng Định Hoá - nơi thủ phủ kháng chiến năm xưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cả dân tộc làm nên một Việt Nam Anh hùng.
Nay những đèo De, thác Khuôn Tát; đồi Phong Tướng... cả những con đường, làng bản nơi đây đều gắn với di tích lịch sử cách mạng, thành nơi linh thiêng của con dân trăm miền đất Việt.
Đã trở nên quen thuộc với hình ảnh cụ Ma Thị Tôm cùng cán bộ Ban Quản lý di tích và Danh thắng mau mải sắm lễ dâng hương; hình ảnh sơn nữ xúng xính trong trang phục đồng bào Tày trân trọng giới thiệu với du khách về cuộc đời, sự nghiệp của Bác; về Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ diệu kỳ của Bộ Chính trị và lòng người dân nơi Thủ đô gió ngàn. Ông Đồng Khắc Thọ, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Thái Nguyên đã nói với chúng tôi như tâm sự: Mỗi năm, đơn vị tiếp đón trên 1.500 lượt đoàn khách, với khoảng 1 triệu lượt người về dâng hương tưởng niệm Người, riêng năm 2008 đơn vị đã tiếp 1.580 lượt đoàn khách và gần nửa triệu khách tự do. Không biết ở trường đời, mỗi người phải toan tính, bươn trải, tất tưởi với cuộc mưu sinh như nào. Nhưng khi về đây, đứng trước Ban thờ Người, tôi cảm nhận được ở mọi người lòng thành kính, biết ơn và dường như những lo toan cơm, áo được gạt khỏi nghĩ suy...
Tôi hiểu ở nơi chốn linh nghiêm này, những người được làm công việc như ông Đồng Khắc Thọ, cụ Ma Thị Tôm và các sơn nữ trực tiếp làm nhiệm vụ hướng dẫn du khách là vinh dự lắm, nhưng cũng đong đầy hạt mồ hôi của sự khổ luyện. Bởi phía sau "hậu trường", có mấy ai biết đơn vị hoạt động trong điều kiện thiếu biên chế; cơ sở vật chất chắp vá, các phòng chuyên môn chưa ổn định... Vậy mà trong cuốn sổ lưu bút tại Nhà trưng bày ATK Định Hoá, tôi không gặp một "lời bút" phàn nàn về thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên. Tất cả họ đã lặng lẽ, cùng xây dựng một hình ảnh Thái Nguyên - Thủ đô gió ngàn đẹp hơn trong con mắt du khách về nguồn, góp phần làm cho những khu di tích của Thái Nguyên thật sự là chốn đi về của con dân đất Việt, là nơi cho mọi người ôn lại bài học lịch sử về một dân tộc Anh hùng.
Được biết trong năm qua, ngoài công việc hướng dẫn du khách về nguồn, Ban quản lý Di tích và Danh thắng Thái Nguyên đã khắc phục rất nhiều khó khăn để hoàn thành hồ sơ khoa học cho 5 di tích đã có quyết định xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1981-1982, đó là di tích Bác Hồ ở Tỉn Keo; di tích Bác Hồ ở Khuôn Tát (Phú Đình); di tích Tổng Bí thư Trường Chinh ở Phụng Hiển (Điềm Mặc); di tích Khảo cổ học Thần Sa (Võ Nhai); di tích núi Văn, núi Võ (Đại Từ). Cũng trong năm, Ban quản lý đã hoàn thành 15 hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp tỉnh... Hiện, Ban Quản lý đang triển khai làm thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, khai thác phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn của tỉnh... Đó là những hoạt động thiết thực tôn vinh giá trị lịch sử của một dân tộc; nơi bài học về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" được giữ nguyên giá trị. Công việc của các anh, chị Ban Quản lý Di tích và Danh thắng trực tiếp góp phần cho mỗi người dân Việt