Xuân đã về ở Trường Sa

08:55, 01/01/2009

Cuộc sống lính đảo đẹp như những vần thơ. Sống nơi đầu ngọn sóng còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các anh vẫn đầy lạc quan, yêu đời. Những dòng thư nhỏ truyền từ đất liền luôn được cánh lính nâng niu, chia sẻ và đồng cảm. Hải trình dài đằng đẵng cả tháng trời của chúng tôi như ngắn lại cùng bao sự lạc quan, yêu đời như thế. Mùa xuân đã về, vượt ngàn trùng sóng gió theo chúng tôi đến với đảo xa nơi tuyến đầu Tổ quốc.

 Đảo xa mà ngỡ như gần ở bên

 

Với lính đảo xa nhà, mỗi tin tức từ đất liền là món quà vô giá. Trên đảo giờ đã có ti-vi nhưng khi lênh đênh trên biển dài ngày thì người bạn thân thiết nhất của bộ đội chính là chiếc radio. Những thông tin theo cánh sóng gửi đến các anh biết bao tình cảm thân thương. Nhịp sống đất liền vẫn theo sát trên dặm đường dài. Thật khó quên được hình ảnh từng nhóm chiến sĩ chụm đầu quanh chiếc radio dò sóng tìm những chương trình yêu thích. Đêm Nô-en vừa rồi, cả tàu háo hức theo dõi trận cầu đỉnh cao của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam qua chiếc radio hiệu Panasonic, chiến lợi phẩm sau Đại thắng mùa xuân năm 1975 của Đại tá, Đoàn trưởng đoàn công tác Mai Tiến Tuyên.

 

 Khi bóng bắt đầu lăn trên sân cỏ, hầu như tất cả thành viên trên tàu đều tập trung trên boong tàu cao nhất háo hức chờ đợi từng âm thanh nối song song từ hai chiếc radio để có được những âm thanh to nhất, nét nhất phục vụ cho cả trăm con người. Kỹ thuật bắt sóng của lính hải quân cũng thật độc đáo. Ăng-ten được kéo căng hết cỡ, áp sát thành tàu đi từ trái sang phải rồi từ phải sang trái. Cũng không mất nhiều thời gian dò sóng của VOV 2 tường thuật trực tiếp trận cầu giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan từ đất nước bạn. Sóng Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Thủ đô trong điệp trùng sóng vỗ Trường Sa càng nghe càng thấy khoảng cách giữa đất liền và hải đảo được nối gần từ bao giờ. Hay như trận lượt về diễn ra tối 28-12 trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

 

 Sự ồn ã của biển không át nổi nhịp đập con tim, không gian như vỡ òa khi các chàng trai kiên cường của ta giành chiến thắng ở những giây cuối cùng. Cả tàu sung sướng hét vang: "Vào rồi, vào rồi!". Những chiến sĩ ngồi xa, ngược sóng, nghe không rõ, cũng hào hứng hét vang rồi mới dồn dập hỏi: "Ai ghi bàn, ghi trong tình huống nào, ai chuyền bóng..?". Lính ta mừng quá, ôm lấy cánh nhà báo mà hò reo. Những thủy thủ kiệm lời lặng lẽ là thế mà cũng nhảy lên thích thú. Thuyền trưởng tàu HQ 996, Trung tá Lê Hải Sơn sau phút xúc động lập tức ra những mệnh lệnh: "Đề nghị mọi người giữ trật tự, bảo đảm an toàn khi tàu đang neo đậu giữa biển khơi". Niềm vui chiến thắng từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… theo sóng radio ngập tràn con tàu. Niềm vui đó thật trọn vẹn.

 

Giao thừa sớm

 

Đại úy Nguyễn Đức Dụ, Đảo trưởng đảo Đá Thị bâng khuâng trước tờ lịch cuối cùng của năm cũ 2008 và cuốn sổ công tác. Hơn một năm trôi qua, vào thời khắc này, anh đã hoàn thành nhiệm vụ, được trở về đất liền ăn Tết cùng gia đình. Rời đảo xa, những đồng đội ở lại còn có những mùa xuân mới thay anh canh gác biển trời. Bữa tiệc liên hoan chia tay coi như buổi giao thừa đến sớm bởi cũng có mai vàng khoe sắc bên bàn thờ Tổ quốc thiêng liêng. Trước những lời ca át tiếng sóng, mùa xuân càng nồng đượm ý thơ. Đêm giao thừa đó, những dòng thư theo cánh sóng ra đảo được chuyền tay nhau đọc.

 

 Chiến sỹ bộ đội đảo Trường Sa đọc báo Hànộimới.

 

Trong những nỗi niềm riêng, có một tình yêu chung khi mỗi người lính luôn xác định từ trong tim, đảo là nhà, biển là quê hương. Quê hương thân yêu nơi đảo xa dẫu không có chùm khế ngọt lúng liếng tuổi thơ nhưng càng ngọt ngào sâu lắng trong muôn vàn nỗi nhớ. Câu chuyện truyền khẩu, với  nhiều người lính đảo nhớ mãi cuộc đời Thiếu tá Lê Duy Thân, quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc đẹp như một bài thơ, nhất là khi anh đã dành trọn đời mình cho quân đội và luôn xác định ngôi nhà thứ hai của mình chính là Trường Sa. Ngày ấy cách đây gần 20 năm, Lê Duy Thân theo tiếng gọi của Đảng, lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, trải bao chiến trường từ biên giới đến hải đảo xa xôi.

 

Ngoài đôi mươi, hành trang của anh và các bạn ra Trường Sa đến nay mãi là kỷ niệm hồi thanh xuân. Cứ biền biệt xa nhà nên thương lắm cơ khi vợ sinh con đầu lòng mới 10 ngày, anh đã phải lên đường. 5 năm sau về nhà, con mới được nhìn mặt bố. Còn con gái thứ 2, anh phải xa cháu khi mới gần 1 tuổi. 3 năm sau về nhà, cứ muốn bật khóc khi nghe con nói với mẹ "Có chú bộ đội đang chờ mẹ trong nhà, cho con kẹo"... Mùa xuân này, Thiếu tá Lê Duy Thân lại được về quê ăn Tết. Nhớ về người vợ hiền cùng hai con nhỏ, người lính rắn rỏi đó tâm sự: "Xuân này anh được về nhà sẽ thực hiện lời hứa nhỏ nhoi mà bao nhiêu năm rồi chưa thực hiện được, đó là đưa em đi thăm thị trấn quê mình. Qua đây xin cảm ơn em đã chăm sóc cha mẹ và nuôi dạy con khôn lớn để anh yên tâm cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó.

 

Bác sĩ Đào Thanh Tùng ở đảo Song Tử Tây đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn đang yêu. Và tình yêu giữa một người ở đất liền, một người ở đảo xa vẫn được nuôi dưỡng bằng những bức thư theo tàu ra biển. Hôm liên hoan chia tay đoàn công tác, chàng trai Hà thành đó mới đem ra khoe bức ảnh "dáng kiều" giấu kín trong ba lô. Trong giây phút gợi lên nỗi nhớ, anh Tùng tâm sự: Trước hôm chia tay, hai người đi dọc theo con đường bằng lăng tím Sân vận động Mỹ Đình. Anh đã hái tặng nàng rất nhiều hoa tím thay cho lời hẹn hò thủy chung của hai người.

 

 Trường Sa không có bằng lăng nhưng mùa này có sắc tím của hoa muống biển. Còn đó rất nhiều màu tím để mỗi người lính dành riêng cho một khoảng trời của mình trong niềm hạnh phúc của những chàng trai Hà thành khi được cống hiến. Trong bức thư viết đúng ngày 29-12-2008, chiến sĩ Nguyễn Thế Nguyên, Phân đội pháo 85 đảo Sơn Ca nhờ chúng tôi chuyển đến gia đình ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa có những dòng xúc động thế này: "Hôm nay là ngày đầu tiên con bước chân lên đảo để thực hiện nhiệm vụ, cảm xúc khác lạ và bỡ ngỡ. Những đồng chí, đồng đội ở đây thật nồng nhiệt và thân thiện. Họ giống như là những người thân trong một gia đình. Con như thấy an tâm vì tình cảm họ dành cho…".

 

 Chút thư tình người lính đảo

 

Lính đảo xa lãng mạn vô cùng. Đứng trước cảnh đẹp mê hồn của biển khơi, dường như trong họ ai cũng có một phần thi sĩ. Thơ lính có san hô, có gió cát, có trăng biển nhưng luôn gửi gắm trong đó tình yêu với gia đình và trên hết là tình yêu Tổ quốc nồng nàn. Hình ảnh vầng trăng Trường Sa mang nỗi niềm của người lính được nhắc nhiều trong những vần thơ mộc mạc. Thiếu tá Nguyễn Khắc Thu, Phòng Chính trị đảo Trường Sa tâm sự: "Có những người lính mới ra đây, đêm đứng gác, ngắm cảnh trăng "nở hoa" nơi đầu súng mà cứ ngỡ trăng của riêng mình. Họ đâu biết rằng nơi nào trên Trường Sa cũng có những đồng đội cùng một nỗi niềm như thế.

 

Tôi đã có hơn 10 năm công tác ngoài đảo, đã đong đầy những cảm xúc như thế. Lính đảo xa có bài hát thế này: "Đêm nay nơi đảo xa/Có một vầng trăng sáng/Trăng sáng đến lạ lùng/Ngồi đọc thư người thương/Dát vàng khuôn nét chữ/Đồng đội không ai ngủ/Có đêm về đâu mà/Vầng trăng đảo xa xôi/Đã thức cùng chúng tôi/Bao tháng ngày thương nhớ/Ơi vầng trăng đảo xa/Đã thức cùng chúng tôi/Tác thành cho lứa đôi/Vầng trăng sáng vô cùng/Vì thương lính đảo xa…". Hay có những lời ca vượt ngọn sóng: "Đảo mùa này chợt mưa chợt nắng, như buồn vui người lính đảo xa nhà. Ở đảo này, toàn cánh lính con trai, nên nỗi nhớ cứ nghiêng về một phía. Không có em anh giả làm con gái, một đầu anh đuổi bắt một đầu em. Không có em, anh giả làm con gái…".

 

Đi khắp các đảo, được nghe các lời ca mộc mạc nhiều lần, ai trong chúng tôi cũng cảm động vì được nghe đi nghe lại, đồng cảm với người xa nhà. Người lính bộc bạch cảm xúc, nhưng chúng tôi ai cũng hiểu, "em" với họ, chính là đất liền, là quê hương da diết. Bài hát mộc mạc càng làm tăng thêm sự bền bỉ, dẻo dai. Sức mạnh có yếu tố lan tỏa đó, lan từ đảo này sang đảo khác trên một dải Trường Sa thân yêu.

 

Chẳng biết từ lúc nào và khi nào hình ảnh người lính hải quân vẫn thường được ví như cây phong ba vững vàng trong bão táp. Đó mãi là hình ảnh đẹp đẽ, bất diệt. Tôi đã bắt gặp một ý thơ đẹp như thế qua những tâm sự của một người con Hà Nội mới ra đảo. Y sĩ trẻ Lê Văn Hồng, đảo Song Tử Tây, như bao người con, nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân, xây dựng quê hương, đất nước.

 

Họ đã đến với đảo xa, tự ví mình như dải san hô bền bỉ, dẻo dai,  đời đời vun đắp cho biển đảo. San hô đẹp  khi dâng hiến sắc màu cho biển cả nhưng khi hết một sức sống, vẫn nguyện hóa thân thành cát vàng, vun đắp sự sống ngoài biển khơi. Cát vun bờ trải nghìn năm, đắp thành những đảo nhỏ thân yêu, một phần máu thịt thiêng liêng của đất nước. Chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh bao người lính đảo hôm nay vẫn sống như vậy, nhất là khi san hô ngày biển động không rực rỡ như trong ngày biển lặng tháng tư, nhưng vẫn dẻo dai một sức sống, từ đáy sâu dâng đời những bài thơ ngọt ngào từ biển cả. Cũng như tôi, bao người đã cảm phục trước một Trường Sa kiên cường và lãng mạn như thế.

 

Chiều 31-12, trong tiết cuối đông, những cây bàng trên đảo đang trổ hoa để đơm trái. Những cây bàng trái mùa tưởng chừng lạc lõng trong tiếng radio thân quen phát đi bài hát "Hà Nội phố" bâng khuâng, khiến nỗi nhớ cứ đong đầy. Đâu đó những người sống quanh tôi bắt đầu bịn rịn, tranh thủ lúc có sóng điện thoại Viettel để lên tít boong tàu lộng gió gọi về đất liền chúc Tết. Những lời chúc xuân mới từ nghìn trùng hải lý đơn sơ mộc mạc nhưng thấm đượm bao ý xuân. Đành rằng thời gian là khắc nghiệt bởi lên tuổi thanh xuân, đời người rồi cũng sẽ trôi qua, nhưng với những người lính đã gặp hôm nay, lại thêm lần nữa tôi ngỡ ra: Hạnh phúc và niềm tin vẫn mãi là những giá trị cao đẹp nhất của cuộc đời.