Gần 5 nghìn hộ dân của tỉnh Thái Nguyên tự nguyện hiến trên 300 nghìn m2 đất để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn là con số đáng ghi nhận trong năm 2008. Kết quả ấy đã góp phần giải quyết những khó khăn phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh trong thời gian qua.
Trong năm 2008, bằng nhiều nguồn vốn như: JBIC; trái phiếu Chính phủ; chương trình mục tiêu… các huyện, thành, thị của tỉnh đã mở mới và nâng cấp được trên 357km đường; xây dựng 18 cầu với tổng chiều dài 204m; tổng kinh phí thực hiện gần 200 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 41 tỷ đồng và 81.000 ngày công lao động. Trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Quang Đảng, Phó Trưởng phòng Quản lý giao thông, Sở Giao thông Vận tải cho biết: Để có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị thi công còn phải kể đến hàng nghìn hộ dân tại các địa phương đã tự nguyện hiến đất, tự nguyện GPMB, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công. Điển hình là nhân dân các huyện Định Hóa, Phú Lương, Phổ Yên, Đại Từ, Phú Bình và Đồng Hỷ đã có gần 5 nghìn hộ dân tự nguyện hiến trên 300 nghìn m2 đất các loại làm đường GTNT. Có thể nói, phong trào nhân dân hiến đất làm đường đang nở rộ tại khắp các địa phương trong tỉnh thời gian qua là kết quả từ việc tăng cường tuyên truyền vận động của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ cơ sở đến huyện.
Đi sâu tìm hiểu ở huyện Phú Lương, một trong những địa phương làm tốt công tác đầu tư phát triển hệ thống GTNT nhiều năm qua, chúng tôi được ông Ma Văn Rục, Trưởng phòng Công thương huyện cho biết: Trong năm 2008, Phú Lương đã mở rộng và nâng cấp 62km đường GTNT với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 27 tỷ đồng. Trong đó có: 12km mặt đường nhựa thấm nhập; 2km mặt đường bê tông xi măng và 48km mặt đường cấp phối. Đặc biệt, trong công tác GPMB để thi công 3 tuyến đường huyện dài 20km, do không có kinh phí bồi thường, GPMB, huyện đã tuyên truyền vận động các hộ dân tự nguyện hiến trên 58 nghìn m2 đất bàn giao kịp thời cho các đơn vị thi công, đồng thời huy động được gần 77.500 ngày công để duy tu, sửa chữa đường. Điển hình các hộ hiến đất là 2 ông Lương Văn Đạo và Lương Văn Chiến, ở xóm Làng Mon, xã Hợp Thành (Phú Lương) hiến trên 1.400 m2 đất ruộng và đất vườn để thi công tuyến đường Hợp Thành - ATK - Yên Ninh. Cũng theo ông Rục, trong quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, quan trọng nhất là phải tạo được sự đồng thuận cao trong cấp ủy và chính quyền từ huyện đến cơ sở; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt phải dựa vào quần chúng nhân dân thì mới thành công…
Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển GTNT năm 2009, ngay từ những ngày đầu năm, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng mục tiêu, kế hoạch chi tiết về phát triển hạ tầng GTNT như: Phối hợp với các ngành, địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để tranh thủ sự hỗ trợ, ưu tiên hơn nữa về vốn và kỹ thuật từ các nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ để đầu tư cơ sở hạ tầng GTNT; đề nghị UBND tỉnh cân đối 13 tỷ đồng vốn sự nghiệp giao thông cho các huyện, thành, thị để làm tốt công tác quản lý, bảo trì các công trình giao thông và hành lang an toàn đường bộ; phấn đấu đến đầu tháng 4/2009 hoàn thành tuyến GTNT Úc Sơn - Tân Thành - Hợp Tiến và khởi công xây lắp 7 tuyến GTNT 3 tại một số huyện; các tuyến GTNT như đường Bảo Lý - Tân Khánh - Tân Lợi - Trại Cau, cầu Phú Minh (đường 264), đường Quán Vuông - ATK Phú Đình (Định Hóa) mới được ghi vốn cũng được khởi công trong quý II năm nay; huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp khoảng 100 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa các công trình GTNT, trong đó xây dựng khoảng 100km mặt đường bê tông xi măng liên xóm…
Để năm 2009 thực sự là năm phát triển về hạ tầng giao thông, hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch được giao, Sở Giao thông Vận tải cũng đề ra một số giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng: Phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ và Đảng bộ, chính quyền các huyện, thành, thị tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào thi đua đầu tư cơ sở hạ tầng, hiến đất làm đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bồi thường, GPMB. Nâng cao chất lượng công tác lập dự án, tư vấn, giám sát và đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt các dự án GTNT; kiên quyết loại bỏ những nhà thầu yếu kém về năng lực tài chính. Đề nghị với Bộ Giao thông Vận tải cho tỉnh được tham gia các dự án nâng cấp, cải tạo và xây dựng một số cầu yếu trên các tuyến đường GTNT, tham gia chương trình xóa cầu tạm; đề nghị UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn để đối ứng cho mỗi huyện từ 3-5 tỷ đồng theo Quyết định 1667/2001/QĐ-UB để thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm; phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tốt công tác quản lý, bảo trì và giải phóng hành lang an toàn giao thông đường bộ… góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.