Năm 2008 là năm đánh dấu nhiều thành công trong công tác giải phóng mặt bằng ở thị trấn Hương Sơn (Phú Bình). Với việc triển khai 2 dự án làm đường giao thông nông thôn Úc Sơn - Hợp Tiến và đường vào khu xử lý rác thải của huyện, hơn 200 hộ dân của thị trấn tự nguyện hiến đất, với diện tích lên tới 13.200 m2.
Dự án đường giao thông nông thôn Úc Sơn - Hợp Tiến có chiều dài toàn tuyến là 14,6km. Đoạn đi qua địa bàn thị trấn Hương Sơn 2,1km. Còn Dự án đường vào khu xử lý rác thải của huyện có chiều dài 2,1km, nằm trọn trên địa bàn thị trấn, qua 4 tổ dân phố (TDP) gồm: Úc Sơn, Đoàn Kết, Quyết Tiến và TDP3. Theo Quyết định của UBND tỉnh, do không có kinh phí để giải phóng mặt bằng nên ở cả 2 dự án, các xã có dự án đi qua phải tự lo mặt bằng "sạch".
Trước đây trên địa bàn thị trấn cũng đã có một số người dân tham gia hiến đất để xây dựng trường học, làm đường bê tông xóm nhưng chưa có việc người dân hiến đất làm đường giao thông liên xã, liên huyện và hiến với diện tích lớn. Do đó, Đảng bộ, chính quyền thị trấn xác định đây là việc làm hết sức khó khăn, cần sự vào cuộc quyết liệt, của Đảng uỷ, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cán bộ các TDP có con đường chạy ngang qua. Để tạo sự thống nhất, Đảng bộ thị trấn đã ra nghị quyết chuyên đề về việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất. Theo đó, UBND thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị trấn làm Trưởng ban.
Sau khi thống nhất các nội dung cần thực hiện với cán bộ các ban, ngành đoàn thể, UBND thị trấn đã tiến hành họp những hộ dân bị ảnh hưởng và những hộ dân không bị ảnh hưởng nhưng được hưởng lợi từ con đường để triển khai nội dung các dự án, cũng như về mục đích, ý nghĩa của 2 con đường đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ở 1-2 cuộc họp đầu, nhiều người đã không nhất trí hiến đất với lý lẽ, chỉ cách cây cầu dài 15m thì ở bên kia đường cùng thuộc thị trấn, 1 cây xanh lâu năm nằm trong Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đang được đền bù vài trăm nghìn đồng, còn 1m2 đất được đền hơn 2 triệu đồng thì tại sao những hộ dân ở bên này lại không được gì? Một số hộ thì bảo, nhà hiến ít đất thì thôi còn nhà hiến nhiều đất thì phải được hỗ trợ… Về một khía cạnh nào đó, những ý kiến của người dân đưa ra đều có lý nhưng lại không hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, kinh phí để thực hiện 2 dự án này đều từ ngân sách tỉnh. Trong khi đó, Thái Nguyên vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, trên địa bàn hiện còn rất nhiều con đường đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như về an toàn cho người tham gia giao thông nên nếu phải lo cả phần giải phóng mặt bằng thì sẽ rất khó để làm được con đường vừa rộng.
Nhận thức được vấn đề, nhiều hộ dân đã nhất trí. Nhưng nhiều hộ, do diện tích đất phải bỏ ra để làm đường lên tới 300-400 m2 nên còn chần chừ; cũng có hộ dù đã thuận nhưng vẫn không ký cam kết để tìm hiểu xem có đúng là Dự án không có kinh phí không.
Theo ông Phan Tiến Sỹ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, Trưởng ban vận động nhân dân hiến đất làm đường thị trấn thì để có được 13.200m2 đất của 215 hộ thì gần 1 năm qua, các cán bộ thị trấn hầu như không có ngày nghỉ; những ngày đi làm thì không mấy khi nghỉ trưa và thường kết thúc 1 ngày làm việc sau 9 giờ tối để đến từng hộ dân vận động, tuyên truyền. Không ít hộ cán bộ Ban vận động phải đến tới lần thứ 5, thứ 6 mới thông.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều gia đình có nhà ở phía trong con đường đi qua cũng đã tự nguyện đóng góp 50 đến 100 nghìn đồng để hỗ trợ một phần cho những hộ phải tháo dỡ công trình trên đất.
Anh Đỗ Đăng Nguyên, ở tổ dân phố Úc Sơn nói: Trước đây, con đường đất của xóm chỉ rộng hơn 2m khiến việc đi lại của người dân rất vất vả. Khi Nhà nước có chủ trương làm đường, tôi rất phấn khởi. Ban đầu, tôi cũng không đồng ý hiến đất bởi con đường đi qua phần đất của gia đình hơn 300m2, nhưng được cán bộ xã, xóm đến phân tích, giải thích, thấy được lợi ích con đường mang lại nên cả nhà tôi đã vui vẻ hiến đất.
Ngoài hộ anh Nguyên, nhiều hộ khác trong thị trấn như hộ bà Dương Viết Đủ, TDP Quyết Tiến 2; hộ ông Dương Viết Nga, TDP Đoàn Kết; hộ ông Trần Trung Kỳ, Trần Văn Tường, TDP Thi Đua… đã hiến từ 200-400m2. Nếu tính thành tiền, số diện tích đất và tài sản trên đất của nhiều hộ lên tới 20-30 triệu đồng.
Đến nay, về cơ bản, việc giải phóng mặt bằng của 2 dự án này đã hoàn thành. Chỉ còn 5 hộ thuộc Dự án đường vào khu xử lý rác thải của huyện đang còn vướng mắc về mặt bằng do có nhà nằm trong diện tích đất làm đường, cần có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước để xây, sửa lại nhà.
Dù con đường trải nhựa chưa được hình thành, nhưng giờ đây, đi trên 2 con đường rộng từ 8-10m thuộc 2 dự án nói trên, trong chúng tôi không ngăn được cảm xúc mừng vui khó tả. Đâu đó còn nhiều người đã và đang đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, chỉ vì chút ít quyền lợi kinh tế mà làm ảnh hưởng đến tiến độ của cả công trình thì ở đây, dù đời sống của nhiều hộ dân vẫn còn khó khăn nhưng đã sẵn sàng hy sinh vì cộng đồng. Tôi hiểu, những cán bộ ở đây đã biết "Lấy dân làm gốc", bởi đúng như Bác Hồ từng nói "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".