Chấn chỉnh hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã: Việc làm cần thiết

09:21, 03/02/2009

Hiện tại, Thái Nguyên có 139 điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX), bán kính phục vụ khoảng 1,75 km/điểm, số dân phục vụ bình quân là 3.063 người/điểm. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, nhiều điểm BĐVHX đã bị xuống cấp, đa số nhân viên ở đây trình độ còn hạn chế, vì vậy việc chấn chỉnh hoạt động của các bưu điện nay là rất cần thiết.

Giữa năm 1998, Thái Nguyên bắt đầu triển khai chương trình xây dựng điểm BĐVHX, 4 điểm đầu tiên đã được xây dựng ở các xã: Lương Sơn, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương (TP. Thái Nguyên), đến cuối năm 2003, Thái Nguyên là một trong 16 tỉnh trên cả nước đạt 100% số xã có điểm Bưu điện văn hóa. Các tờ báo: Nhân dân, Thái Nguyên, Bưu Điện, Bạn Đường, Nông nghiệp Việt Nam và Tạp chí Văn hóa đã được chuyển đến các điểm BĐVHX trong ngày để phục vụ nguời dân, ngoài ra còn rất nhiều sách, báo, tạp chí do người dân đặt mua cũng được bưu điện thường xuyên chuyển đến.

 

Đánh giá kết quả sau 10 năm đi vào hoạt động, các điểm BĐVHX trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được nhiệm vụ cơ bản là: Đưa dịch vụ Bưu chính, Viễn thông về với nông dân, nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; hướng dẫn người dân làm quen với việc sử dụng các dịch vụ trao đổi thông tin, mở mang kiến thức và nâng cao dân trí ở nông thôn; phục vụ nhân dân đọc sách, báo miễn phí, thực hiện các hoạt động văn hóa trong phạm vi cho phép, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân vùng nông thôn. Nhờ có các điểm bưu điện văn hóa đặt tại trung tâm xã nên đã thu hẹp được bán kính phục vụ của các bưu cục, thông tin nhanh, thuận tiện qua hệ thống điện thoại đã thúc đẩy việc giao lưu kinh tế, buôn bán sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa giữa các vùng dân cư ngày càng tăng lên.

 

Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, do nguồn kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa nhà cửa và các trang thiết bị rất hạn hẹp nên nhiều điểm BĐVHX đã bị xuống cấp, đa số nhân viên ở đây mới chỉ được đào tạo trình độ sơ cấp bưu điện, chưa được đào tạo về nghiệp vụ văn hóa, thư viện, nên còn nhiều hạn chế trong công việc; công tác kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên của ngành chưa sâu sát nên tại một số điểm BĐVHX, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa cách sắp xếp, bài trí trong bưu điện chưa gọn gàng, ngăn nắp đã gây ảnh hưởng không tốt về hình ảnh của điểm Bưu điện văn hóa trong con mắt người dân.

 

Một nhiệm vụ quan trọng của BĐVHX là tổ chức phục vụ nhân dân đọc sách báo miễn phí, đây chính là nét đặc trưng và có ý nghĩa thiết thực, giúp bà con tiếp cận với thông tin, tri thức, tạo thói quen đọc và tìm hiểu kiến thức qua nguồn sách báo hiện có. Tuy nhiên, nhiều điểm BĐVHX thực hiện chưa tốt nhiệm vụ này. Tại điểm Bưu điện xã Vô Tranh (Phú Lương), mặc dù có tủ sách và được bổ sung thêm đầu sách hàng năm nhưng cán bộ quản lý ở đây không nắm được hiện tại điểm BĐVHX có bao nhiêu đầu sách, sổ ghi đầu sách không tìm thấy, thậm chí tủ sách có hai cửa thì chỉ mở được một bên, còn bên kia bị mất chìa khóa không mở được. Tại xã Yên Đổ (Phú Lương), bên trong điểm BĐVHX sắp xếp rất lộn xộn, thậm chí có cả quần áo và nôi của trẻ em được để ngay ở gian nhà chính của bưu điện, bà con đến đọc sách, báo khó có thể tìm được chỗ ngồi thuận tiện, yên tĩnh.

 

Theo quy định của Tổng Công ty Bưu chính thì tất cả các điểm BĐVHX đều phải treo cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ, thế nhưng tại điểm BĐVHX Yên Đổ, ngay ở gian chính lại có thêm một chiếc bàn thờ và bát hương. Khi chúng tôi hỏi, anh Lê Xuân Hiến, cán bộ quản lý điểm bưu điện ở đây cho biết, vì anh có vợ và con ở luôn tại điểm bưu điện nên anh đặt bàn thờ để cầu an lành. Đến điểm BĐVHX Ôn Lương (Phú Lương), đây là điểm làm khá tốt việc sắp xếp nơi đọc và bảo quản tủ sách, tuy nhiên lượng người dân đến đọc sách, báo cũng rất ít. Chị Phan Thị Hằng, cán bộ quản lý bưu điện cho biết: Số đầu sách ở đây chưa phong phú, mặc dù có trên 400 đầu sách nhưng phần lớn là sách xuất bản đã lâu, thiếu nhiều loại sách hướng dẫn về phát triển nông, lâm nghiệp, mỗi năm điểm bưu điện của xã chỉ được cấp thêm trên 20 đầu sách mới nên khó thu hút người dân đến đọc. Bên cạnh đó, do người dân ở địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên phần lớn thời gian bà con dành cho việc sản xuất, kinh doanh. 

 

Thực tế hiện nay cho thấy cần phải nghiêm túc chấn chỉnh lại hoạt động của các điểm BĐVHX, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Việc bố trí, sắp xếp bàn ghế, tủ quầy, buồng điện thoại công cộng cần gọn gàng, ngăn nắp, chỗ đọc sách, báo cần được trang bị bàn ghế, bố trí đủ ánh sáng và quạt mát về mùa hè để tạo thuận lợi và thu hút bà con nhân dân đến đọc sách, báo. Nhân viên BĐVHX cần có ý thức cao trong việc giữ gìn, bảo quản tủ sách và các trang, thiết bị. Ngành Bưu chính cần đề ra những quy định cụ thể đối với nhân viên BĐVHX làm thất lạc, mất sách, nhằm đảm bảo đủ số lượng đầu sách được trang bị; tủ sách tại các điểm BĐVHX cần được luân chuyển hàng năm giữa các xã, qua đó góp phần làm phong phú đầu sách đến tay người đọc. Buồng trực tại bưu điện nên sử dụng đúng mục đích, tránh việc cả hai vợ chồng và con của nhân viên bưu điện ở luôn tại đó sẽ rất khó để giữ cho điểm bưu điện văn hóa luôn ngăn nắp, sạch đẹp; việc cho phép nhân viên bưu điện bán thêm các loại hàng tạp hóa, mở dịch vụ vi tính, photocopy để nâng cao thu nhập là hợp lý, tuy nhiên cần được quản lý và bố trí một cách khoa học để không ảnh hưởng đến hoạt động chính của bưu điện.

 

Ngoài chuyên môn về chuyên ngành Bưu chính, Viễn thông thì nhân viên BĐVHX cần được đào tạo thêm về công tác văn hóa, thư viện để phát huy tác dụng của tủ sách tại bưu điện. Bên cạnh đó, trong công tác quản lý, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên và các bưu điện tuyến huyện cần quan tâm đôn đốc, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các điểm BĐVHX để kịp thời khắc phục những hạn chế, phát huy những điểm mạnh, làm tốt nhiệm vụ của điểm BĐVHX, góp phần thúc đẩy KT-XH tại địa phương phát triển.



Tìm kiếm cơ hội việc làm trên VietnamWorks