Chuyện cây trám ở Hà Châu

08:27, 25/02/2009

Sau hơn 3 năm thực hiện Dự án Xây dựng mô hình nhân giống và phát triển cây trám đen tại xã Hà Châu (Phú Bình, Thái Nguyên) đến nay, về cơ bản Dự án đã thất bại. Trong khi đó, nhu cầu trồng trám của người vẫn rất lớn và đầu ra của sản phẩm luôn ổn định…

Cả người dân và lãnh đạo nơi đây vẫn mong muốn các ngành chức năng của tỉnh, huyện tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư để cây trám có được thương hiệu trên thị trường và là sản phẩm đặc trưng của Hà Châu nói riêng, huyện Phú Bình nói chung.

 

Dự án Xây dựng mô hình nhân giống và phát triển cây trám đen tại xã Hà Châu được triển khai từ cuối năm 2005, do đồng chí chủ tịch UBND xã là chủ nhiệm; cơ quan quản lý là Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên; cơ quan phối hợp chính là Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình và Công ty Giống cây trồng Đông Bắc (Lạng Sơn). Theo người dân trong xã, cây trám đen được trồng bằng hạt, tại Hà Châu từ hàng trăm năm trước. Trung bình từ 7-8 năm cây trám mới cho quả, tỷ lệ cây cái chỉ chiếm khoảng 30%. Nhiều hộ trồng trám được hàng chục năm nhưng phải cây đực vẫn phải chặt bỏ. Vì thế, dù giá bán trám khá cao và đầu ra luôn ổn định nhưng tâm lý chung của người dân là rất ngại trồng.

 

Từ thực tế trên, được sự chỉ đạo của UBND huyện Phú Bình và hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, đầu năm 2005, đồng chí chủ tịch UBND xã Hà Châu đã xây dựng mô hình nhân giống và phát triển cây trám đen tại xã Hà Châu với mục đích rút ngắn thời gian cho thu hoạch (còn từ 3-4 năm) và 100% cây trám khi đưa vào trồng là cây cái nhờ phương pháp ghép chồi và ghép mắt. Cụ thể, lấy chồi, mắt của cây trám có năng suất, chất lượng tốt ghép vào thân cây con được trồng bằng hạt. Thực hiện Dự án, xã Hà Châu đã làm một vườn ươm ngay trên đất trụ sở xã cũ.

 

Hơn 1.000 cây con đã được ươm. Khi đường kính thân cây được từ 1-1,5cm thì thực hiện việc ghép chồi, ghép mắt. Nằm trong nội dung của Dự án, xã Hà Châu đã thành lập một đoàn công tác đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại Công ty Giống cây trồng Đông Bắc. Trước nay, Công ty này trước nay chưa bao giờ thực hiện việc ghép chồi, ghép mắt cây trám đen nhưng qua tìm hiểu, Công ty này cho biết, đây là loại cây có nhiều nhựa nên việc ghép mắt là tương đối khó và tỷ lệ cây sống chỉ khoảng 50-60%. Lẽ ra, khi biết được đặc tính này, xã Hà Châu cần tìm đến những cơ quan có chuyên môn như Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên hay Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh để nhờ giúp đỡ nhưng lại chỉ nhờ một người dân trong huyện thông thạo  việc ghép mắt cho các loại cây về trực tiếp ghép và hướng dẫn cho đồng chí Nguyễn Văn Hoan, cán bộ tư pháp xã là thư ký đề tài- cử nhân kinh tế nông nghiệp cùng ghép. Có những cây, dù đã ghép được 1 năm vẫn bị chết. Theo đồng chí Hoan, tỷ lệ cây sống của Dự án đạt khoảng 30%.

 

Được tận mắt nhìn sản phẩm của Dự án, chúng tôi không khỏi xót xa trước rất nhiều công sức đã bỏ ra của một số cán bộ xã Hà Châu cũng như hơn 70 triệu đồng mà Nhà nước đầu tư. Vườn ươm hàng nghìn cây trám giờ chỉ còn lèo tèo vài chục cây trám cằn cỗi, cao trên dưới 2m. Trong số đó, theo đồng chí Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm phó chủ nhiệm đề tài có nhiều cây nếu được chăm sóc tốt sẽ cho quả sớm. Một số cây đã được đem trồng tại trụ sở UBND xã hiện giờ nhưng không hiểu sao phát triển rất chậm. Đồng chí Quân thừa nhận, về cơ bản, Dự án đã thất bại.

 

Cũng theo đồng chí Quân, từ trước đến nay, trên đồng đất Hà Châu, ở những diện tích đất đồi, đất soi bãi, cây trám vẫn là cây cho thu nhập cao nhất. Từ năm 2005 khi giá bán trám chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg thì 1 ha trám đã cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Tại Nghị quyết số 84/NQ-ĐU ngày 2/4/2005 của Đảng bộ xã Hà Châu khoá XVIII cũng đã xác định về hiệu quả, tiềm năng và phương hướng phát triển cây trám tại xã. Đảng bộ xã xác định cây trám là loại cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho nhân dân địa phương. Với 7/15 xóm của xã có khả năng trồng trám tương ứng với diện tích 80ha, trong khi hiện mới có một phần diện tích này được trồng trám thì khả năng cũng như nhu cầu trồng trám của người dân nơi đây là rất lớn.

 

Bà Nguyễn Thị Lộc, xóm Táo, một trong những hộ dân trồng nhiều trám của xã, cho biết: Với 27 cây trám được trồng cách đây hơn 30 năm, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu được từ 1,5-2 tấn quả, năm nào mất mùa cũng được 1 tấn. Với giá bán 2-3 năm trở lại đây từ 20-25 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi thu từ trám được trên dưới 30 triệu đồng. Mấy chục năm qua, thu nhập chính của gia đình tôi đều từ trám. Một lợi thế nữa của trám chính là thời gian thu hoạch kéo dài 4 tháng/năm (từ cuối tháng 6 đến hết tháng 10 do cây chín trước, cây chín sau). Gia đình bà chưa khi nào phải đem trám ra chợ bán mà đều được các thương lái đến tận nhà đặt trước. Do hợp thổ nhưỡng nên quả trám trồng ở Hà Châu bùi, thơm, chặt thịt hơn hẳn trám được trồng ở các địa phương khác. Nhiều người ở tận Hà Nội, Hải Phòng cũng tìm đến Hà Châu mua trám. Bà Lộc nói: Việc to, việc nhỏ của gia đình bà bao năm qua đều trông vào cây trám. Trong khi đó, công đầu tư cho cây trám rất ít, một năm chỉ mất dăm bẩy cân lân. Theo tôi, trám là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên đồng đất Hà Châu. Đất soi bãi, đất gan trâu rất phù hợp để trồng trám. Hiện, gia đình bà còn hàng nghìn m2 đất đồi có thể trồng trám nhưng nhiều năm qua bà không giám trồng một phần vì lo bị người ta đào trộm, phần do tỷ lệ cây đực nhiều, phải chặt bỏ. Bà ước ao, với sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật ngày nay, gia đình bà sẽ sớm có những cây trám cái được trồng với thời gian cho thu hoạch sớm.

 

Cũng như bà Lộc, ông Tạ Quang Tích, 54 tuổi, xóm Đông một lần nữa khẳng định với chúng tôi về giá trị mà cây trám mang lại. 10 cây trám được trồng trên đất soi (đất ven sông) từ khi ông chưa sinh, nhiều năm qua, mỗi năm gia đình ông thu được trên dưới 10 triệu đồng. Điều đáng nói hơn, diện tích trồng trám còn có thể trồng xen được quýt, nhót, sắn và một số loại cây trồng khác. Khi được nhắc đến dự án trồng trám bằng phương pháp ghép mắt, chồi mà xã triển khai, ông Tích rất buồn vì đã bị thất bại. Nhưng ông mong muốn, các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục dành sự quan tâm để cây trám Hà Châu ngày càng phát triển.

 

Mong muốn của ông Tích, bà Lộc cũng là mong muốn chung của rất nhiều người dân và cán bộ xã Hà Châu. Mong rằng, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục dành sự quan tâm để cây trám không chỉ là cây giúp người dân nơi đây giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu và tạo được thương hiệu trên thị trường như một số nông sản của tỉnh như gạo bao thai Định Hoá hay sản phẩm chè Tân Cương.