Đã lâu không có dịp về Tân Hương (Phổ Yên), hôm nay trở lại chúng tôi thấy ngỡ ngàng trước một Tân Hương đổi khác. Trước mắt chúng tôi là những con đường bê tông phẳng phiu, sạch đẹp trải dài khắp thôn cùng, ngõ hẻm. Trên cánh đồng, người nông dân nhanh tay cấy lúa cho kịp vụ xuân. Xa xa vẳng lại tiếng còi tầm trong các nhà máy... Bức tranh sinh động đó đã phần nào chứng minh cho sự thay đổi của một xã thuần nông trước đây.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc của Đảng uỷ, HĐND, UBND xã, đồng chí Trần Văn Tỵ, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Để có được Tân Hương như hôm nay, chúng tôi đã chú trọng thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở nhằm phát huy nội lực của nhân dân. Khi sức mạnh của khối đại đoàn kết trong dân được củng cố, phát huy đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong những năm gần đây.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cách đây khoảng 5 năm, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở địa phương còn nhiều hạn chế. Những công việc liên quan đến dân chưa được công khai và thông báo kịp thời như mức đóng góp của nhân dân về xây dựng cơ sở hạ tầng, thu phí và lệ phí, xây dựng các công trình phúc lợi... mà chủ yếu do chính quyền địa phương quyết định. Do không được công khai, minh bạch nên xảy ra tình trạng mất đoàn kết, nghi ngờ lẫn nhau và tình trạng khiếu kiện đã xảy ra.
Trước thực trạng trên, năm 2003, Đảng uỷ, HĐND, UBND xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về việc thực hiện QCDC ở cơ sở và triển khai đến các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân trong toàn xã. Đảng uỷ xã cũng thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ do đồng chí Bí thư Đảng uỷ là Trưởng ban, lãnh đạo HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể là thành viên. UBND xã tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về thực hiện QCDC ở cơ sở đến 23/23 khu dân cư trong toàn xã. Không những vậy, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên tham gia học tập QCDC. Các cơ sở thôn, xóm cũng thường xuyên tuyên truyền về QCDC trên hệ thống truyền thanh, các cuộc tiếp xúc cử tri, lồng ghép vào các hội nghị khác...
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đó, nội dung của việc thực hiện QCDC ở Tân Hương đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Những chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của địa phương sau khi thông báo đến dân đã được người dân bàn luận, tham gia đóng góp ý kiến. Kết quả, nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đã huy động được sức mạnh của nhân dân tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương như bê tông hoá đường giao thông nông thôn, tham gia xây dựng, nâng cấp, cải tạo trường học, trạm y tế, trạm điện, kênh mương, nhà văn hoá…
Từ năm 2003 đến nay, toàn xã đã vận động nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng bê tông hoá được 14,5 km đường giao thông nông thôn, 1,5 km kênh mương nội đồng, làm mới 2 nhà văn hoá, hỗ trợ làm 35 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, sửa chữa, nâng cấp 3 di tích văn hoá được tỉnh công nhận. Cùng với đó, việc thực hiện các nghĩa vụ của người dân đối với Nhà nước như đóng góp các loại thuế, phí và lệ phí được thực hiện đúng quy định.
Đặc biệt, vài ba năm trở lại đây, Tân Hương là xã có nhiều dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào địa bàn. Từ năm 2002 đến nay, Tân Hương đã thực hiện bồi thường giải phóng trên 40 ha mặt bằng cho 11 dự án... Để làm được điều đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền nơi đây chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện, đồng thời tổ chức tốt việc họp dân phổ biến các chế độ, chính sách một cách minh bạch, công khai. Ngoài ra, xã cũng tăng cường các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa các đồng chí lãnh đạo huyện, xã với nhân dân. Thông qua đó đã kịp thời giải quyết những vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của người dân có diện tích đất bị thu hồi. Vì vậy, nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ, không xảy ra tình trạng dân khiếu kiện hoặc phải cưỡng chế...