Giáo dục pháp luật: Hướng tới người dân ở nông thôn

16:39, 08/02/2009

Nâng cao hiểu biết cho nhân dân nói chung, người dân ở nông thôn nói riêng về pháp luật là một chủ trương lớn đã, đang được tỉnh ta triển khai và đem lại kết quả rất khả quan như: Hạn chế tranh chấp ở cơ sở; đơn thư khiếu kiện do không hiểu biết pháp luật giảm bớt...

Một lần chúng tôi được dự phiên tuyên truyền pháp luật của cán bộ đang làm việc tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cho nhân dân xóm 7, xã Tân Dương (Định Hóa) và chứng kiến cảnh đại diện 47/47 hộ trong xóm đều tới dự và hỏi rất nhiều vấn đề pháp luật liên quan đến đai đai, hôn nhân gia đình, thừa kế tài sản và một số vụ tranh chấp ở xóm chưa giải quyết được. Những thắc mắc của nhân dân xóm 7 đều được tuyên truyền viên giải thích, trả lời chi tiết và còn đưa ra một số ví dụ cụ thể để nhân dân hiểu rõ hơn.

 

Ngay khi kết thúc phiên tuyên truyền pháp luật ở Tân Dương, chúng tôi đã phỏng vấn đồng chí Vũ Thị Lệ Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh và được biết: Hoạt động tuyên truyền, trợ giúp pháp lý nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân đã được tỉnh chỉ đạo thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng phải đến năm 2001 sau khi thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh trực thuộc Sở Tư pháp, hoạt động tuyên truyền, trợ giúp pháp luật mới mang tính chuyên nghiệp. Hiện lực lượng làm công tác này đã có 5 tuyên truyền viên cấp tỉnh, 47 cộng tác viên đang làm việc tại các cơ quan của tỉnh và 99 câu lạc bộ pháp luật với hàng nghìn cộng tác viên ở cơ sở. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền pháp luật tương đối hùng hậu, được bố trí từ tỉnh đến cơ sở và hoạt động này đã được thực hiện tại 352 xóm, bản của 160 xã trong tỉnh. Đặc biệt là từ năm 2006 trở lại đây, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã tập trung tuyên truyền pháp luật tới nhân dân ở xóm, bản của các xã vùng sâu, vùng xa như: Tân Long, Văn Lăng (Đồng Hỷ); Bảo Linh, Lam Vĩ, Tân Dương (Định Hóa); Nghinh Tường, Thần Sa, Sảng Mộc (Võ Nhai)…Ở những nơi này, nhân dân ít được tiếp xúc với những hoạt động xã hội nên thời gian đầu các buổi tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật không đông người đến dự hoặc có đến thì bà con cũng ít đưa ra câu hỏi. Nắm bắt được vấn đề đó, các tuyên truyền viên của Trung tâm đã xây dựng nội dung tuyên truyền ngắn gọn, xúc tích, thu vào băng để phát trên loa và tìm cách gợi mở để những người đến dự trình bày những thắc mắc của mình.

 

Kinh nghiệm được tích luỹ qua từng buổi tuyên truyền và đến giờ nội dung tuyên truyền pháp luật của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã gần gũi, thiết thực với đời sống nhân dân nên các buổi tuyên truyền ở cơ sở đã thu hút đông người dân tham dự. Vẫn theo đồng chí Vũ Thị Lệ Hằng, thành công lớn nhất của công tác tuyền truyền, phổ biến pháp luật chính là tăng thêm kiến thức, hiểu biết cho nhân dân. Những vấn đề nhân dân hỏi, tuyên truyền viên đã hiểu rõ thì trả lời ngay, còn những vần đề khó, mới sẽ ghi lại sau đó trả lời bằng văn bản. Một ví dụ rất cụ thể được cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý đưa ra là giai đoạn 2005 trở về trước rất nhiều người dân ở Định Hóa vẫn còn suy nghĩ “đòi lại đất ông cha”. Nhưng qua nhiều buổi tuyên truyền pháp luật, các tuyên truyền viên đã làm rõ đòi hỏi này không đúng với quy định của Luật Đất đai và đến giờ người dân Định Hóa không còn nhắc tới vấn đề này nữa.

 

Có lẽ chính sự làm việc thầm lặng, cần mẫn của cán bộ đang làm việc ở Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh và hàng nghìn công tác viên tuyên truyền pháp luật ở cơ sở đang góp sức để thực hiện một nhiệm vụ vô cùng lớn, đó là: Giúp nhân dân sống và làm việc theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật!