Kinh nghiệm từ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở Tân Quang

09:57, 08/02/2009

So với các địa phương trong tỉnh, Tân Quang, Sông Công phải thực hiện thu hồi khá nhiều diện tích đất để triển khai các dự án lớn, nhỏ. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) ở đây không vướng mắc nhiều. Tân Quang được đánh giá là một trong những "điểm sáng" về làm tốt công tác BTGPMB của tỉnh.

Với một vị trí khá thuận lợi về mọi mặt nên xã Tân Quang, T.X Sông Công đã được chọn làm nơi xây dựng khu công nghiệp tập trung đầu tiên của tỉnh. Nơi đây, từ năm 2001, khu Công nghiệp Sông Công đã được hình thành và đang phát triển. Từ đó đến nay, mới chưa đầy 9 năm, khu Công nghiệp Sông Công đã khởi sắc với trên 20 dự án lớn (chưa kể các dự án nhỏ, lẻ) đã và đang hoạt động đóng góp cho thị trường nhiều sản phẩm mới, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động (riêng Tân Quang có trên 1.000 con em vào làm việc tại các nhà máy, công ty nằm trong khu công nghiệp Sông Công) và tăng thu ngân sách cho tỉnh; làm đổi thay diện mạo của một vùng quê nghèo khó. Sự thành công ấy phải kể đến một phần đóng góp  tích cực của đội ngũ cán bộ, người dân xã Tân Quang luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án đúng kế hoạch.

 

So với các địa phương trong tỉnh, Tân Quang là xã phải thực hiện thu hồi khá nhiều diện tích đất đai để triển khai các dự án lớn (chưa kể hàng chục dự án nhỏ). Bình quân mỗi dự án có từ 2 đến 8 ha đất; dự án được bàn giao mặt bằng lớn nhất là Công ty ViHa có tới 12 ha. Mỗi dự án có tới hàng trăm lượt hộ bị thu hồi đất; trong đó đa số các hộ bị thu hồi đất từng phần (vì liên quan đến nhiều dự án); có tới trên 100 hộ bị thu hồi đất, tài sản, kiến trúc, hoa mầu trên đất hoàn toàn. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) ở đây không vướng mắc nhiều, số hộ kiện cáo không đáng kể, việc thực hiện giải pháp cưỡng chế là bất đắc dĩ (nhưng cũng chỉ có 4 hộ). Tân Quang được đánh giá là một trong những "điểm sáng" về làm tốt công tác BTGPMB của tỉnh.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để làm tốt công tác BTGPMB, từ nhiều năm qua, Đảng bộ Tân Quang luôn xác định: Công tác BTGPMB luôn là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã. Vì vậy, hàng năm, Đảng bộ đều xây dựng các nghị quyết chuyên đề về công tác này; bên cạnh các nghị quyết khác đều có lồng ghép chỉ đạo thực hiện. Mỗi khi có dự án vào địa phương, Đảng uỷ xã đã triển khai đến các bí thư chi bộ, trưởng xóm và các tổ chức đoàn thể; thành lập đoàn công tác triển khai việc vận động, tuyên truyền đến từng hộ dân. Đồng thời giao cho UBND xã xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn công tác, ban chuyên trách do một đồng chí phó chủ tịch UBND xã trực tiếp phụ trách và có phân công, phân nhiệm cụ thể đến từng thành viên; phối hợp với Ban Bồi thường GPMB của thị xã tổ chức các hội nghị để triển khai đầy đủ các quy trình khi thực hiện thu hồi đất (từ công tác quán triệt chủ trương thu hồi đất, công bố quy hoạch, các chính sách liên quan; đến thống kê, kê khai đất đai và tài sản trên đất; xây dựng dự toán đền bù; họp dân công bố dự toán). Mỗi hội nghị đều có mặt đầy đủ các ban, ngành liên quan để giải đáp ngay những thắc mắc của dân. Hàng tuần, UBND xã giao ban với các ban ngành, đoàn thể trong xã để nghe báo cáo kết quả, tiến độ công tác BTGPMB từng dự án đến đâu, có gì vướng mắc, bàn, đề xuất các giải pháp để tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc. Qua đó, những thắc mắc của dân được giải quyết kịp thời và được người dân đồng tình ủng hộ.

 

GPMB là công việc phức tạp, với những bước đi thận trọng, Tân Quang đã hạn chế được những vướng mắc, khiếu kiện của dân đến mức thấp nhất. Anh Dương Minh An, Phó Chủ tịch UBND xã tâm sự:"Trong những năm qua, Tân Quang phải thực hiện thu hồi khá nhiều diện tích đất đai, hoa mầu, kiến trúc của dân để thực hiện các dự án, nhìn chung, người dân ở đây chấp hành khá tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nên đã tạo điều kiện bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho các dự án. Song, nói như vậy, cũng không có nghĩa là không có vướng mắc. Sự thắc mắc trong một số hộ dân ở đây chủ yếu là do những năm trước đây cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện; giá đền bù thấp; trình độ của một số cán bộ thị xã còn hạn chế nên khi cấp quyền sử dụng đất (từ năm 1991) còn có nhiều sai sót khi đo đạc bản đồ.

 

Bên cạnh đó, một số thuật ngữ hướng dẫn cũng chưa rõ ràng. Vì vậy, khi thực hiện thu hồi đất bàn giao cho các dự án đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương khi giải thích với dân. Hoặc việc nghiên cứu thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ di dời chưa đến nơi đến chốn đã dẫn đến việc khiếu kiện của 20 hộ dân ở xóm Cầu Sắt. Khi có khiếu kiện, xã đã vào cuộc ngay. Bước đầu là vận động, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu. Nếu thiếu sót ở đâu thuộc thẩm quyền của xã thì xã khắc phục ngay để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nếu không thuộc thẩm quyền thì đề nghị các cấp, ngành liên quan nhanh chóng giải quyết. Các ngành chức năng của thị xã cũng luôn vào cuộc nhanh chóng để giải toả thắc mắc của dân. Vì vậy, những khiếu kiện của dân đã được giải quyết ổn thoả.

 

Năm 2008, có 3 hộ dân không chấp thuận bàn giao mặt bằng cho dự án ViHa, trong khi đã nhận tiền bù nhưng vẫn khiếu kiện. Ví dụ như hộ bà Phạm Thị Hoàn ở xóm Làng Mới, gia đình có 2 thửa đất nằm trong quy hoạch khu công nghiệp. Do thủ tục không đảm bảo tính pháp lý nhưng Ban BTGPMB vẫn chấp thuận bồi thường tiền nhà và đất cho một thửa theo đúng chính sách, còn một thửa đất chỉ đền bù phần đất, tài sản trên đất không đền bù nên bà không chịu tháo dỡ công trình để di dời. Hoặc, gia đình bà Dương Thị Quyết ở xóm Cầu Gáo, có thửa đất được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi là đất mầu, Ban BTGPMB đã thực hiện bồi thường toàn bộ đất màu và có tiền hỗ trợ khác, nhưng bà không chịu, đòi đền bù theo diện tích đất ở, đất màu và hỗ trợ đất giáp gianh nhà. Do không đúng chính sách nên Ban BTGPMB không giải quyết, bà cũng chây ỳ không chịu di chuyển. Đối với hộ ông Phạm Văn Ngó ở xóm Làng Mới do bản đồ địa chính không định vị rõ đất ở, nên trên mảnh đất của ông, khi  chia đất cho các con làm nhà ở ông đã chuyển diện tích đất ở cho con (300 m2). Khi thực hiện bồi thường thì Ban BTGPMB trả tiền đền bù phần diện tích đất ở trên cho con; đồng thời cũng đền bù 60% trị giá đất ở cho phần diện tích của ông Ngó. Nhưng ông Ngó lại kiện chính quyền làm sai. Các cơ quan chức năng của thị xã đã vào cuộc và có hướng giải quyết đền bù đất ở trả lại cho ông Ngó và thu hồi tiền đã bồi thường diện tích đất ở cho con ông. Tuy gia đình ông đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn chưa thực hiện theo đúng kết luận của Thanh tra thị xã và không chịu bàn giao mặt bằng. 

 

Quan điểm của xã và lãnh đạo T.X Sông Công là: Dự án ViHa là dự án của nhà đầu tư từ Cộng hoà dân chủ Đức, cam kết bàn giao mặt bằng đã ký, để đảm bảo tiến độ cho dự án, qua nhiều lần thuyết phục, động viên các hộ trên không được, các ngành chức năng của T.X Sông Công đã phối hợp cùng với xã thực hiện đến biện pháp cưỡng chế. Đến nay mặt bằng đã được bàn giao cho nhà đầu tư.

 

Với cách làm trên, năm 2008 là năm có hàng chục dự án tiếp tục được triển khai tại Tân Quang, nhưng đa số các dự án việc thực hiện thu hồi đất diễn ra khá thuận lợi (trừ dự án ViHa). Sự thành công ấy phải kể đến cơ chế, chính sách từ T.W đến tỉnh đã được hoàn thiện theo hướng Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư cùng có lợi nên không còn gây tâm lý thua thiệt cho người dân, họ đã phấn khởi ủng hộ và chấp hành ngay. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến ý thức của người dân đã được nâng lên, khi các dự án vào sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội không nhỏ tại địa phương. Bên cạnh đó, người dân thấy được cách làm của cán bộ từ thị xã đến xã là kiên quyết, không làm sai chính sách nên đã yên tâm, tin tưởng hơn. Ông Dương Văn Thức ở xóm Cầu Sắt cho biết: Gia đình tôi đã hai lần thực hiện thu hồi đất với 2.880 m2 đất ruộng (năm 2002) và 3.200m2 đất, nhà cửa, cây cối (năm 2008). Qua hiệu quả của các dựa án đang thực hiện ở Tân Quang nên tôi rất ủng hộ và thực hiện đi đầu trong việc chặt cây, dỡ nhà để bàn giao mặt bằng cho dự án đúng tiến độ. Song tôi có đề nghị, quy hoạch mở rộng khu Công nghiệp Sông Công phải nhanh chóng thực hiện để chúng tôi được di chuyển sang khu tái định cư theo nguyện vọng của gia đình".

 

 Những điều ông Dương Văn Thức đề nghị cũng là vấn đề mà các cán bộ xã và thị xã cũng đang mong muốn. Bởi, nếu người dân nhanh chóng chấp hành thực hiện tốt mà các cơ quan chức năng của Nhà nước không khẩn trương đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch mở rộng để thị xã có cơ sở xây dựng các khu tái định cư, khi dân bàn giao đất là có thể di chuyển ngay sang khu tái định cư để ổn định cuộc sống. Có như vậy, khi triển khai những dự án tiếp theo sẽ thuận lợi hơn. Từ kinh nghiệm về công tác BTGPMB ở Tân Quang có thể nói, không có việc gì khó, chỉ cần cán bộ làm đúng chính sách, công khai, kiên quyết, giải quyết các vướng mắc kịp thời và đảm bảo lợi ích của các bên hài hòa thì mọi việc sẽ thành công.