Thực hiện thành công trên 15.000 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể, đem lại ánh sáng cho hàng ngàn bệnh nhân, đó là một trong những kết quả đáng mừng mà chương trình phòng chống mù lòa của tỉnh đã mang lại cho người dân trên địa bàn…
Trường hợp của bà Hoạt chỉ là một trong hàng ngàn bệnh nhân bị ĐTTT đã được phẫu thuật phục hồi thị lực trong chương trình phòng chống mù lòa do Trung tâm phòng chống mù lòa (nay là Bệnh viện mắt Thái Nguyên) thực hiện từ nhiều năm qua. Tính từ năm 1994 đến nay, Trung tâm phòng chống mù lòa tỉnh (nay là Bệnh viện mắt Thái Nguyên) đã mổ trên 15.000 ca ĐTTT, mang lại ánh sáng cho hàng ngàn bệnh nhân. Để có được kết quả đó, cán bộ, công nhân viên của trung tâm và bệnh viện đã phải vượt qua không ít khó khăn, vất vả. Thời điểm trước năm 1994, do còn nhiều hạn chế về trình độ, nhân lực và trang thiết bị phẫu thuật mắt nên trung tâm mới chỉ áp dụng được phương pháp mổ ĐTTT trong bao, phương pháp này không đặt TTT nhân tạo, bệnh nhân muốn nhìn được phải đeo một chiếc kính dày và nặng, thị lực chỉ lên được 2/10, thời gian nằm viện dài (trên 10 ngày), dễ xảy ra biến chứng. Với quyết tâm nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng điều trị cho bệnh nhân, nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên của trung tâm được cử đi đào tạo tại các bệnh viện tuyến TW, sau năm 1994, khi đã củng cố vững chắc về chuyên môn cho đội ngũ bác sỹ, kỹ thuật viên, trung tâm bắt đầu áp dụng phương pháp mổ ĐTTT ngoài bao có đặt TTT nhân tạo trong điều trị cho bệnh nhân, đây là phương pháp ưu việt hơn so với phương pháp mổ trong bao, bệnh nhân không phải đeo kính, thị lực sau mổ phổ biến từ 2/10 đến 5/10, thời gian nằm viện ngắn (dưới 1 tuần), ít xảy ra biến chứng sau phẫu thuật. Trong khoảng thời gian từ 1995 đến 2003, Trung tâm phòng chống mù loà tỉnh đã áp dụng phương pháp mổ ngoài bao để phẫu thuật, đặt TTT nhân tạo cho gần 10.000 ca, thuỷ tinh thể nhân tạo dùng để đặt cho bệnh nhân được tổ chức CBM (một tổ chức phi chính phủ của Đức) cấp miễn phí, đây là nguồn giúp đỡ rất hiệu quả, góp phần tạo thuận lợi trong điều trị cho bệnh nhân nhất là đối với các trường hợp thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tháng 7 năm 2004, Trung tâm phòng chống mù lòa tỉnh được nâng cấp lên thành Bệnh viện mắt Thái Nguyên với chỉ tiêu 50 giường bệnh. Được củng cố về nhân lực, trang thiết bị hiện đại, ban lãnh đạo bệnh viện đặc biệt chú trọng lĩnh vực đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật mắt để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, từ năm 2005 đến nay, ngoài phương pháp phẫu thuật ngoài bao, bệnh viện đã thực hiện thành công phương pháp phẫu thuật PHACO, đây là phương pháp phẫu thuật tiên tiến, hiện đang đang được áp dụng tại nước ta và nhiều nước trên thế giới. Khi thực hiện phương pháp phẫu thuật PHACO, các bác sỹ sẽ dùng máy siêu âm để tán nhuyễn nhân mắt bị đục ngay tại trong mắt sau đó hút ra ngoài, TTT dùng để đặt cho bệnh nhân là loại TTT mềm. Ưu điểm của phương pháp này là đường mổ nhỏ (từ 2,8 đến 3,2 mm), không phải khâu mắt, thị lực sau mổ phổ biến từ 5/10 đến 10/10, ít xảy ra biến chứng, sau khi phẫu thuật 2 ngày bệnh nhân sẽ được ra viện. Tuy là phương pháp tiên tiến nhưng hiện nay, do chi phí phẫu thuật khá cao (khoảng trên 2 triệu đồng/ca), nên nhiều bệnh nhân còn eo hẹp về kinh tế chưa lựa chọn phương pháp này. Bác sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện mắt Thái Nguyên cho biết: Hiện nay, số người bị mù lòa của tỉnh vẫn còn trên 12.000 người, trong đó chủ yếu là ĐTTT chiếm 65%; Glôcôm chiếm 7,3%; tật khúc xạ chiếm 1,8%. Việc triển khai các hoạt động phòng chống mù lòa đang gặp nhiều khó khăn do trang thiết bị phục vụ chăm sóc mắt đã xuống cấp và thiếu thốn, một số huyện chưa có bác sĩ chuyên khoa mắt; về phía người dân, do nhận thức còn hạn chế, điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn nên khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt còn rất ít. Nhu cầu phẫu thuật ĐTTT trên địa bàn hiện đang ở mức cao, nhưng do còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị nên mỗi năm toàn tỉnh mới chỉ thực hiện được gần 1.700 ca, vì thế số mù tồn đọng qua các năm vẫn còn nhiều. Để có thể giảm nhanh số người bị mù lòa trên địa bàn, ngoài việc tăng cường phẫu thuật ở các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến tỉnh, cần tổ chức nhiều đợt mổ tại tuyến huyện để tạo thuận lợi cho số bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong phương hướng, kế hoạch hành động của chương trình phòng chống mù lòa tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2009-2013), dự kiến sẽ có 12.000 người trên 50 tuổi có nguy cơ mù lòa do đục TTT được khám sàng lọc, trong đó 12.000 ca ĐTTT có thị lực dưới 6/10 được phẫu thuật để phục hồi thị lực; 300 ca glôcôm được phẫu thuật và điều trị mỗi năm; 5.200 ca quặm được phẫu thuật để tránh nguy cơ gây mù lòa; trên 25.000 học sinh tại các trường học sẽ được khám sàng lọc tật khúc xạ; mạng lưới chăm sóc mắt sẽ tiếp tục được củng cố từ tỉnh đến tận cơ sở, qua đó phòng chống hiệu quả đối với bệnh mù lòa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.