Nhằm tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi ở các vùng miền khác nhau được học tập thường xuyên, liên tục để nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là các đối tượng không có điều kiện đến trường, từ năm 2003 đến nay, huyện Phổ Yên đã thành lập 18 Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn.
Từ khi ra đời, các TTHTCĐ đã kết hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể mở nhiều lớp chuyên đề với những nội dung học tập thiết thực, phù hợp theo hướng “ Cần gì học nấy” của đa số người dân.
Có mặt tại TTHTCĐ xã Thành Công, chúng tôi được chứng kiến buổi học về chuyển giao kỹ thuật trồng chè cành giữa cán bộ Trạm Khuyến nông huyện và hơn 60 hộ dân địa phương. Được biết, chủ trương đưa cây chè cành vào trồng trên đất Phổ Yên được triển khai từ vài ba năm nay nhưng người dân Thành Công không mấy “mặn mà”. Cán bộ khuyến nông đã tìm hiểu và nắm bắt được những nguyên nhân khiến người dân không phá bỏ diện tích chè trung du giống cũ cho năng suất, sản lượng thấp để thay thế bằng giống mới cho hiệu quả kinh tế cao. Đa số tâm lý người dân không muốn phá bỏ chè cũ vì trồng chè mới phải từ 3 năm trở lên mới cho thu hoạch. Thêm nữa, trồng chè cành còn phải đầu tư vốn để mua giống, vật tư phân bón, rồi đầu ra cho khâu tiêu thụ... Những vướng mắc đó của bà con nông dân được cán bộ khuyến nông và xã giải đáp thoả đáng tại các buổi học tại TT HTCĐ. Nhiều hộ dân sau lớp học phấn khởi tìm hiểu sâu về cây chè cành với các giống LDP 1, TRI 777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên... và quyết tâm đưa cây chè cành cho hiệu quả kinh tế cao vào đồng đất địa phương.
Trong vòng 5 năm qua, các TTHTCĐ của huyện Phổ Yên cũng đã mở được nhiều lớp chuyên đề về kỹ thuật cây trồng, vật nuôi, công nghiệp dân dụng, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, trợ giúp pháp lý... giúp bà con nông dân nâng cao kiến thức, trình độ, tham gia lao động sản xuất đạt hiệu quả cao. Trung bình mỗi TTHTCĐ ở các xã, thị trấn mở được từ 5 đến 7 lớp/năm, thu hút trên 200 lượt người đến học.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các TTHTCĐ còn bộc lộ nhiều yếu kém. Đồng chí Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên phụ trách về văn hoá, xã hội thẳng thắn thừa nhận: Trước nhu cầu học tập hiện nay của địa phương, một số TTHTCĐ còn lúng túng trong xây dựng kế hoạch, yếu kém trong khâu quản lý, điều hành và chưa phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, các hoạt động liên kết, phối hợp giữa các TTHTCĐ với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể còn yếu kém nên hoạt động của các Trung tâm chưa mạnh. Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch mở lớp, xác định đối tượng và nội dung học tập ở một vài TTHTCĐ còn bế tắc.
Tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng này tại một số xã, thị trấn như Bắc Sơn, Đông Cao, Trung Thành, Minh Đức, chúng tôi được biết do một bộ phận cán bộ chủ chốt trong cấp uỷ, chính quyền cơ sở nhận thức về hoạt động của các trung tâm còn chưa đầy đủ và bất cập với nhiều mức độ khác nhau. Thêm nữa, một số cán bộ phụ trách TTHTCĐ còn chưa tâm huyết, đa số kiêm nhiệm, cán bộ lại luôn thay đổi nên hoạt động của các trung tâm bị gián đoạn hoặc bị lãng quên. Việc xác định các nội dung để học tập cũng chưa được các địa phương chú trọng. Đa số là triển khai, học tập các chương trình do cấp trên yêu cầu, còn lại tự bản thân các địa phương cũng không biết mình nên học gì, phù hợp với đối tượng nào. Người dân thì thụ động chưa dám đề đạt những nội dung mà mình mong muốn được học và tìm hiểu. Cơ sở vật chất các trung tâm còn sơ sài, thiếu các trang thiết bị, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân...
Để thực hiện tốt Đề án xây dựng xã hội học tập cộng đồng của UBND huyện Phổ Yên giai đoạn 2008-2010, các TTHTCĐ cần được cải tạo, nâng cấp để thực hiện tốt các chương trình giáo dục, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu học tập của công đồng dân cư. Để làm được điều đó, huyện cần phải tăng cường công tác tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập hiện nay, xác định đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Hoạt động của các TTHTCĐ phải trở thành chương trình chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, là nội dung hoạt động của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và là chỉ tiêu bình xét thi đua các chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh, các khu dân cư tiên tiến hàng năm.