''Ngăn sông cấm chợ''

08:41, 06/02/2009

Đó là khẳng định của ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp với báo chí chiều 6/2.

Theo ông Sơn, Quyết định số 51/2009/QĐ- UBND của UBND TP Hà Nội ban hành "Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn TP. HN" ngày 22/1/2009 là có biểu hiện "ngăn sông cấm chợ, không có căn cứ pháp lý". Sau khi kiểm tra bước đầu, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có thông báo với UBND TP HN.

Ông Sơn nói: "Chúng tôi cho rằng văn bản về "Quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn TP. HN" của UBND thành phố HN là rất cần thiết. Tuy nhiên, văn bản cần có điều chỉnh lại cho phù hợp với pháp luật hiện hành".

Nội dung mà ông Sơn tập trung phân tích là Điều 4 của quyết định này với nội dung quy định:

"Cấm vận chyển gia súc gia cầm vào khu vực nội thành, nội thị."

"Cấm vận chuyển gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm trên xe máy, xích lô, xe đạp hoặc các phương tiện thô sơ khác".

"...gia súc gia cầm chỉ được vận chuyển đến cơ sở giết mổ được phép thành lập của UBND TP".

Với nội dung kể trên, ông Sơn cho rằng, đó là nội dung cấm đoán, không có căn cứ pháp lý, có biểu hiện ngăn sông cấm chợ đối với các cá nhân công dân tham gia hoạt động giết mổ, vận chuyển gia cầm.

Ông Sơn còn đưa ra thêm một ví dụ cho thấy Quyết định số 51 của UBND TP Hà Nội chưa thật ổn. Cụ thể, với nội dung: "Cấm buôn bán giá súc gia cầm trên vỉa hè, lòng đường, ngõ xóm và các khu vực công cộng".

Với nội dung quy định nêu trên, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã đề nghị UBND TP HN làm rõ, vì quy định như vậy chỉ mang tính cấm đoán, lại không rõ ràng về nội dung vi phạm.

"Quy định như vậy có thể gây hiểu nhầm, có thể dẫn đến việc áp dụng xử lý tùy tiện của các lực lượng chức năng" - lời của ông Sơn.

Trả lời câu hỏi, tại sao lại để "lọt" một văn bản sai quy định của pháp luật như vậy, ông Sơn khẳng định: "Xây dựng văn bản có cả một quy trình, từ nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến, phản biện, thẩm định... Qua những khâu như thế đã để xảy ra sơ xuất, để "lọt".

"Khâu của chúng tôi là khâu hậu kiểm. Đây là sai sót tổng thể, cần có sự cố gắng chung của rất nhiều lực lượng tham gia vào đây" - ông Sơn nói.