Bằng sự nỗ lực của mỗi cán bộ y, bác sĩ; bằng tấm lòng tận tuỵ của người thầy thuốc đối với với bệnh nhân, nhiều năm qua Bệnh viện C Thái Nguyên đã trở thành nơi gửi gắm sự sống của người dân trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên…
Từ phòng mổ trở về, Bác sĩ Lê Xuân Tân, Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên còn chưa hết mệt mỏi. Ông vừa thực hiện thành công ca mổ thận bằng phương pháp mổ mở, ông thở phào cho biết: Hầu như ngày nào tôi cũng có mặt trong phòng mổ. Tôi đã làm công việc này vì lương tâm của người thầy thuốc, vì sự sống của con người...
Câu chuyện của Bác sĩ Tân khiến tôi liên tưởng rằng: Có lẽ vì cách làm việc nghiêm túc của ông, nên người dân đến đây khám, chữa bệnh không gặp phải những rắc rối về thủ tục hành chính, nhất là hiện tượng cán bộ gợi ý, vòi vĩnh người nhà bệnh nhân tiền thăm khám. Điều đặc biệt nữa tôi biết được là trong Bệnh viện C Thái Nguyên, với đội ngũ hơn 300 cán bộ, viên chức, trong số đó có 70 cán bộ trình độ đại học; gần 40 cán bộ chuyên khoa II, chuyên khoa I và thạc sĩ, song không có người nào mở phòng khám, chữa bệnh tư.
Giải thích về “hiện tượng” này, Bác sĩ Lê Xuân Tân cho biết: Bệnh viện có chính sách riêng để thu hút nhân tâm của người tài, cụ thể là bằng thu nhập, bằng tiền thưởng phù hợp với tay nghề từng người. Do vậy, đội ngũ bác sĩ yên tâm, gắn bó với bệnh viện, không giới thiệu cho bệnh nhân trong bệnh viện ra ngoài chữa bệnh... Ông Nguyễn Xuân Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết thêm: Viện được ngành giao 350 giường, nhưng không ít thời điểm Bệnh viện tiếp đón, chữa bệnh cho gần 700 bệnh nhân nội trú. Riêng hôm nay (19-2), Bệnh viện đang có 619 bệnh nhân nội trú. Còn tháng 1, Bệnh viện đã thực hiện khám bệnh được 6.040 lượt bệnh nhân; 1.641 người bệnh điều trị nội trú. Cũng trong tháng, Bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật thành công 362 ca; thực hiện truyền 23.765 ml máu cho bệnh nhân.
Cách xây dựng thương hiệu của Bệnh viện C Thái Nguyên là bằng chính sự nỗ lực của mỗi cán bộ y, bác sĩ; bằng tấm lòng tận tuỵ của người thầy thuốc đối với với bệnh nhân. Nên chỉ trong một thời gian hơn 20 năm (1987 đến nay), từ một bệnh viện của Công ty Xây lắp 2 (Bộ Cơ khí luyện kim), với một cơ sở khám chữa bệnh nghèo nàn, xuống cấp; trang thiết bị thiếu thốn. Bằng quyết tâm vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa nâng cấp, đầu tư mới, đến nay Bệnh viện đã có một cơ sở khám chữa bệnh khang trang; thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, tân tiến hơn; đội ngũ cán bộ y, bác sĩ cũng có tay nghề và kinh nghiệm cao hơn. Do vậy, từ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân thuộc các huyện phía
Bên cạnh đó, Ban Giám đốc Bệnh viện luôn coi trọng việc phát triển kỹ thuật mới, như tiếp tục đi sâu và hoàn thiện các kỹ thuật khám chữa bệnh chất lượng cao. Hiện Bệnh viện đã triển khai được gần 20 loại phẫu thuật nội soi thuộc các lĩnh vực phụ sản, ngoại, tai mũi họng... Về phẫu thuật mở, Bệnh viện thực hiện được nhiều lĩnh vực chuyên sâu như phẫu thuật sọ não, các bệnh về tiết niệu, gan, mật; gai đôi, thoát vị đĩa đệm, chấn thương cột sống... Để thu hút đầu tư, Bệnh viện đã hợp tác với Công ty Dịch vụ Gamasta Singapore để thành lập Trung tâm điều trị ung thư với những thiết bị và phương pháp điều trị hiện đại nhất ở Việt Nam.
Ngay trước các khoa, phòng khám chữa bệnh, tôi còn thấy từng thùng thư góp ý dành cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Ông Nguyễn Xuân Chung cho biết: Mỗi năm có hàng trăm lá thư của bệnh nhân ghi lời tự sự của mình về tháng ngày điều trị trong bệnh viện, nhưng tuyệt nhiên không có một lời thư oán thán. Song Ban Giám đốc Bệnh viện cũng như tất cả CBVC ở đây đều tự nhủ: Phải gắng hơn để không phụ lòng mong mỏi của nhân dân...
Từ thực hiện tốt nhiệm vụ, trong nhiều năm qua, Bệnh viện C Thái Nguyên được Chính phủ; Bộ Y tế; Liên đoàn Lao động Việt Nam; UBND tỉnh tặng nhiều Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen. Năm 1996 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2007 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Trong 8 năm gần đây, Bệnh viện liên tục được Bộ Y tế công nhận Bệnh viện đạt danh hiệu “Bệnh viện xuất sắc toàn diện”.