Con đường trở về của những người đang cai nghiện và học tập tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - lao động xã hội huyện Đại Từ sẽ không còn dài, nếu họ biết vượt qua thử thách làm lại cuộc đời bằng chính nghị lực và quyết tâm của mình.
Đứng chờ người bạn ở cổng chợ thị trấn Đại Từ, người bán hàng hoa quả có gương mặt dễ nhìn, đon đả mời khách một cách khéo léo, ân cần khiến tôi chú ý. Tôi thoáng suy tưởng vu vơ, chắc hẳn chị đã có một gia đình sung túc, hạnh phúc. Nào ngờ khi quay ra người bạn lại nói nhỏ vào tai tôi: Chồng chị ấy nghiện thuốc phiện đấy!
Hình ảnh ấy, câu nói ấy cứ ám ảnh tôi suốt một chặng đường dài bởi những câu hỏi không có lời giải đáp: Có lẽ nào? Tại sao lại như vậy? Đành rằng, trong những năm gần đây, những câu chuyện đau đớn, bi thương vì gia đình có chồng, con, anh, chị, em nghiện hút đã được phản ảnh, lên tiếng nhiều trên các diễn đàn. Nhưng mỗi khi chứng kiến một số phận ngoài cuộc đời thực, tôi vẫn không khỏi xót xa. Bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, có ai giống ai đâu! Thế rồi tình cờ, trong một lần tới Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội huyện Đại Từ, tôi đã gặp người chồng của chị bán hàng hoa quả mà tôi chưa kịp biết tên. Câu chuyện về cuộc đời, về con đường dẫn anh tới nơi đây thì dài, nhưng tôi chỉ muốn viết lên câu nói ngắn gọn nhất của anh: Mình đã quá thấm thía những gì đã gây ra cho vợ con, giờ phải quyết tâm quay trở về con đường hoàn lương khi chưa quá muộn!
Vâng. Con đường trở lại với cuộc đời sẽ không còn xa đối với những ai biết nhìn nhận ra nỗi lầm và quyết tâm sữa chữa bằng chính nghị lực của mình. Anh Đào Việt Hà, Giám đốc Trung tâm tâm sự: Những người có thái độ lao động và học tập tích cực như anh T. đây khiến chúng tôi rất phấn khởi, chỉ mong sao những con người từ nơi đây bước ra với cuộc đời sẽ không bao giờ phải quay lại đây nữa. Ngày mới vào Trung tâm, anh T. rất gầy và yếu, nhưng sau một thời gian lao động và học tập tại Trung tâm, anh T. đã thay đổi và tiến bộ nhiều. Nhìn mâm cơm thịnh soạn được bày ra với nhiều món ăn ngon, nào thịt gà luộc, cá nướng, cá rán, trứng ốp, thịt lợn, dưa hành đủ cả, anh Hà nói tiếp: Trong mâm cơm này chỉ có gạo là chúng tôi phải mua, còn tất cả là tự sản tự tiêu. Anh em vào đây, sau giai đoạn điều trị cắt cơn đều phải lao động, học tập theo kế hoạch, chương trình của Trung tâm. Hiện nay, Trung tâm đang tiếp nhận hơn 100 đối tượng nghiện hút ma tuý. Để giúp đỡ những con người này chiến thắng ma tuý, chiến thắng bệnh tật, ổn định về tinh thần và sức khoẻ để trở về với cuộc đời, chúng tôi xác định không phải là vấn đề đơn giản. Nhưng các cán bộ ở nơi đây thường động viên, khích lệ lẫn nhau, mỗi người cố gắng thêm một chút và hy vọng vào những cố gắng của mình sẽ không uổng phí. Ban Giám đốc Trung tâm đã rất nỗ lực, cố gắng trong việc tìm kiếm và tạo việc làm cho những học viên đang sinh hoạt tại Trung tâm. Một vườn ươm giống cây lâm nghiệp đã được hình thành với hơn 60 vạn cây; trồng hơn 1 ha chè lai và gần 1ha rau màu các loại; trong chuồng lúc nào cũng nuôi gần hai chục đầu lợn lớn, nhỏ, vài chục con gà; đào ao thả cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở các lớp đào tạo về các nghề thông dụng cho các đối tượng có đủ tiêu chuẩn, để sau khi rời khỏi Trung tâm họ có thể sinh sống bằng những nghề đã được đào tạo, học tập. Phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tạo việc làm cho người nghiện như san ủi, chở đất, đóng gạch…
Ngoài thời gian học tập, lao động, Trung tâm cũng rất chú ý, quan tâm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho các đối tượng thông qua các buổi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ tập thể; thường xuyên bổ sung các loại sách, báo, tạp chí mới cho tủ sách của Trung tâm; khuấy động phong trào rèn luyện thể dục - thể thao; đầu tư mua sắm trang thiết bị tăng âm loa đài, hát karaôke trong các dịp lễ, tết. Nhiều đối tượng khi chúng tôi phỏng vấn đều cho rằng: Các điều kiện ăn ở, sinh hoạt của Trung tâm đều tốt hơn ở nhà rất nhiều. Thái độ của cán bộ thì ân cần, chu đáo. Những cố gắng của Trung tâm đã góp phần làm giảm số người nghiện ma tuý trên địa bàn toàn huyện xuống còn 602 người (giảm 27 người so với năm 2007); huyện Đại Từ đã có 8 xã không có tội phạm về tệ nạn ma tuý…
Cùng với anh Hà đi thăm quan nơi ăn chốn ở của các học viên và nhìn ngắm cảnh quan của Trung tâm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, phòng nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, có ti vi, sách báo để đọc. Bao phủ xung quanh Trung tâm là sóng nước hồ Núi Cốc, những đồi cây gió thổi vi vút, những vườn rau xanh mướt một màu, những bồn hoa, cây cảnh đua nhau khoe sắc thắm trong nắng xuân chan hoà. Phía xa, những chiếc thuyền câu của những người dân chài đang thả lưới, tạo nên một khung cảnh thật êm đềm và lãng mạn. Con đường trở về của những người đang cai nghiện và học tập tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - lao động xã hội huyện Đại Từ sẽ không còn dài, nếu họ biết vượt qua thử thách làm lại cuộc đời bằng chính nghị lực và quyết tâm của mình.