Sữa nhập ngoại không nhãn mác bằng tiếng Việt được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng trên địa bàn Hà Nội. Đây lại là những loại sữa được nhiều bà mẹ ở Thủ đô lựa chọn cho con trẻ.
Tại Hàng Buồm, phố chuyên kinh doanh bánh kẹo của Hà Nội, đoàn phát hiện nhiều loại thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc như trái cây ngâm, phụ gia thực phẩm không có nhãn phụ và nhãn của nhà nhập khẩu theo quy định.
Đoàn đã kiểm tra cửa hàng Kim Dung, 112 Hàng Buồm. Tại đây, đoàn phát hiện 7kg sữa bột đóng gói nhỏ không có nhãn phụ.
Chủ cửa hàng Kim Dung giải thích, số sữa này được sang bao từ túi to, túi đó có nhãn mác đầy đủ. Đoàn thanh tra đã giao cho Trạm Y tế phường niêm phong để chờ kết quả xuất trình nguồn gốc số sữa trên từ phía chủ cửa hàng. Đồng thời, yêu cầu bổ sung nhãn phụ mới được bán tiếp ra thị trường.
Tại cửa hàng số 41B Lê Lợi, thị xã Hà Đông, đoàn thanh tra đã phát hiện 3 loại sữa ngoại không có nhãn tiếng Việt. Cụ thể, sữa hộp 900g của nhãn hàng Meiji (có giá 450.000 đồng/hộp) và sữa của nhãn hàng Vokodo (900g, giá 530.000 đồng/hộp) chỉ có tên và hướng dẫn sử dụng, cũng như giới thiệu thành phần, công dụng bằng tiếng Nhật. Sữa S26 chỉ có tiếng Anh, không có nhãn phụ tiếng Việt.
Theo giải thích của chủ cửa hàng này, chị Trần Thị Lê thì đây là sản phẩm của một công ty ở Hà Nội nhập về và phân phối chứ không phải hàng xách tay, hàng trôi nổi.
Với trường hợp này, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tạm niêm phong số sữa trên. Đồng thời, đề nghị chủ cửa hàng xuất trình giấy tờ nhập hàng, chứng minh nguồn gốc xuất xứ và bổ sung nhãn phụ tiếng Việt trên mỗi hộp. Sở Y tế cũng sẽ tiến hành kiểm tra công ty nhập khẩu, phân phối sữa theo địa chỉ cửa hàng cung cấp.
Trong buổi kiểm tra, đoàn cũng lấy 3 mẫu sữa tại cửa hàng Bích Hiền, 15 Hàng Giấy, Hà Nội để tiến hành xét nghiệm gồm: sữa bột Dutch Lady nguyên kem uống liền, hộp giấy 400g; sữa bột Dielac dinh dưỡng nguyên kem có đường túi thiếc 400g và sữa hộp dành cho bà bầu 400g, Anmum. Kết quả kiểm nghiệm chất lượng sẽ có trong 10 ngày.
Ngày đầu kiểm tra, đoàn chưa phát hiện ra sữa bột có hàm lượng đạm thấp hơn công bố, như danh sách của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM và Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cung cấp, tại thị trường Hà Nội. PGS.TS Lê Anh Tuấn khẳng định, bên cạnh việc kiểm tra sữa có hàm lượng đạm thấp hơn tiêu chuẩn chất lượng, Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra sữa ngoại, sữa được người tiêu dùng ưa chuộng để xét nghiệm các chỉ tiêu khác.