Tái diễn nạn khai thác vàng trái phép ở Thần Sa

09:12, 27/02/2009

Sau một thời gian dài lắng xuống, giờ đây nạn khai thác vàng trái phép ở khu vực xã Thần Sa, huyện Võ Nhai lại tái diễn. Ban đầu chỉ có một vài lán trại nhỏ lẻ, khai thác lén lút, nhưng từ khoảng tháng 10/2008 trở lại đây, tình trạng khai thác vàng rộ lên và công khai hơn. Chưa có con số chính xác, nhưng ước chừng có khoảng 50-70 lán trại của các "bưởng vàng" được dựng lên rải rác quanh núi, lán ít thì có 5-7 người, lán nhiều có tới 17 người. Điều đáng lưu tâm là chính quyền địa phương biết, nhưng dường như đứng ngoài cuộc, mặc cho các hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra ngang nhiên. 

Con đường vào Bản Ná, Xuyên Sơn trơn trượt, nhày nhụa bùn đất. Mùa này xe máy vào được tới nơi là cả một vấn đề. Xe chúng tôi không ít lần bị văng bánh người người ngã xuống đường. Ngay từ ngoài UBND xã Thần Sa, nhiều người, trong đó có cả lãnh đạo xã khuyên không nên vào, nếu có thì chỉ đi bộ (mất khoảng 3 tiếng), nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm vào nơi một thời là tâm điểm của nạn khai thác vàng trái phép ở Thái Nguyên. Đi cùng chúng tôi vào Bản là ông Lường Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND xã Thần Sa.

 

 Mới đến đầu Bản Ná, khu vực này có vẻ yên tĩnh, chỉ có vài căn nhà sàn và lác đác mấy ngôi nhà hoang rách nát của những người khai thác vàng trước đó bỏ lại. Đi sâu vào trong bản, chúng tôi đến điểm chốt khoáng sản của huyện được lập lên cách đây hơn hai năm để ngăn chặn việc khai thác vàng trái phép ở đây. Điểm chốt có hai người, nhưng giờ chỉ còn Thiếu uý Lý Văn Chi (Công an huyện Võ Nhai) đang trực. Cách điểm chốt không xa, ở vị trí Hang Dơi (phía đối diện) tiếng máy nổ bơm nước và khí vào hang khai thác vàng của các "bưởng" vọng xuống rõ mồn một. Hướng mặt về phía có tiếng máy nổ, anh Chi khoát tay nói: "Đấy là điểm khai thác của "bưởng" Trò - người Nam Định. Trên đó có khoảng 17 người. Điểm khai thác trái phép này hoạt động hơn 2 năm nay, nhưng vì không thuộc địa bàn chúng tôi quản lý nên không cấm được…"

 

 Lúc này đã gần 12 giờ trưa, ông Lương Văn Đa có vẻ không muốn đưa chúng tôi đi tiếp nên chần chừ bảo đã đến giờ ăn cơm. Tuy nhiên, thấy chúng tôi quyết tâm đi, ông Đa đành miễn cưỡng đưa vào xóm Xuyên Sơn. Hiện ra trước mắt chúng tôi là san sát lán trại của các "bưởng" vàng được dựng lên bên vách núi. Mọi người bỗng giật mình bởi một tiếng nổ vang, đất đá văng tứ tung. Từ vách núi cách chúng tôi chừng vài trăm mét, một đụn khói bốc lên. Ông Đa nói: "Lại đánh mìn rồi. Bọn này hư quá…".

Thì ra đấy là tiếng mìn phá đá mà các "bưởng" vẫn dùng để mở cửa hang mỗi khi khai thác. Leo lên lưng chừng núi, chúng tôi vào lán của một "bưởng" có tên Trần Bình, thường trú tại phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), lên đây làm được hơn một năm. Thấy có người lạ, mấy thanh niên mặt non choẹt ló đầu từ trong lán nói vọng ra: "Các chú đi đâu đấy? Lên trên này kiếm việc à? Hay là đi bắt chúng cháu? Có bắt thì bắt mấy ông bưởng kia kìa, chúng cháu chỉ là người làm thuê thôi". Nói rồi, mấy thanh niên cười phá lên. Bên miệng hang sâu khoảng hơn 20m, được bưng gỗ xung quanh, một "cửu" có vẻ mặt ốm yếu tên Giang đứng kéo tời. Anh này cho biết, thanh niên khoẻ thì được bố trí xuống hang đào đất, còn ai sức yếu thì ngồi ở trên đóng tời kéo đất lên bàn tuyển. Những người làm ở dưới hang được trả lương cao hơn người ngồi trên. Cứ khoảng 20 phút lại kéo lên một bao đất, đá…

 

 Rời lán của "bưởng" Bình, chúng tôi sang một lán khác gần đó. Một đám thanh niên khoảng 8 người đang tụ tập chơi xóc đĩa. Thấy có người lạ, chúng hô nhau: "Giải tán đi chúng mày, ai vào việc đấy ngay…" Ở góc bên kia, một hai thanh niên vừa chích ma tuý cho nhau xong, lảo đảo lao xuống núi lẩn trốn.

 

 Những mắt thấy nghe trên được chúng tôi phản ánh với ông Trần Văn Tập, Chủ tịch UBND xã Thần Sa thì được ông này cho biết: "Đó là một tồn tại thực tế ở xã. Trừ khi Thần Sa hết tài nguyên thì may ra mới hết tệ nạn đó. Có những điểm khai thác ở đây hơn 20 năm vẫn chưa xử lý được. Năm ngoái, nhiều hộ dân trong Bản Ná, Xuyên Sơn liên tục kiện tụng vượt cấp, gây mất đoàn kết, an ninh trật tự. Nhưng từ khi được khai thác vàng hoặc đi làm thuê cho các bưởng thì tình hình khiếu kiện giảm hẳn…(?!) Hiện nay, theo đánh giá của địa phương, thì ở Bản Ná, Xuyên Sơn có 3 lán vừa khai thác xen lẫn buôn bán, sử dụng ma tuý, còn các lán khác chủ yếu là làm kinh tế. Sự lộn xộn này chúng tôi không biết làm cách nào ngăn cấm!"

 

 Tìm hiểu chúng tôi được biết, tình trạng khai thác vàng trái phép rộ lên gần đây bắt nguồn từ tin đồn ông Triệu Văn Kinh, xóm Tân Kim khi đập đá trong vườn lấy được 1kg vàng. Người này loan tin cho người kia và thành phong trào đập đá tìm vàng. Bà con trong xóm đã góp tiền mua dầu, thuê máy xúc đào tung cả đồi núi, vườn tược với hy vọng tìm được vàng như gia đình ông Kinh. Cũng từ tin đồn ấy đã kích thích sự tò mò, lòng tham của nhiều người ở nơi khác tìm đến Tân Kim, Bản Ná, Xuyên Sơn... Và cứ thế, cả một vùng rừng núi hiểm trở bỗng chốc nhộn nhịp kẻ vào, người ra. Nạn khai thác vàng trái phép đã thực sự nóng lên!

 

 Vấn đề khai thác vàng trái phép ở Thần Sa không chỉ đơn thuần là nổ mìn, chui hang nữa. Giờ đây người ta còn khoét sông, đãi sỏi, lọc cát tìm vàng. Tại địa điểm đầu nguồn sông Thần Sa, cách trụ sở làm việc của UBND xã khoảng 300m, một tầu cuốc và một máy xúc ngang nhiên hoạt động. Chúng tôi gặp chủ tầu Hoàng Văn Sự, trú tại xóm Kim Sơn và được ông này cho biết: "Tôi đang làm thuê cho nhân dân trong xã lấy đá, sỏi dưới lòng sông đắp vào hai bên bờ tránh sạt lở và nắn dòng chảy theo hướng có lợi cho sản xuất nông nghiệp ấy mà…" Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi làm thuê thì giá cả thanh toán thế nào? Ai thuê ông…? thì ông Sự nói với giọng thách đố: "Việc này các anh không cần biết! Còn muốn biết thì ra UBND xã khắc rõ, đơn từ đều ở đó cả...".

 

  Qua quan sát, chúng tôi thấy việc ông Sự đang cho vận hành máy xúc và tầu cuốc tại sông Thần Sa có biểu hiện khác thường, ngoài cái "mác" khai thác cát sỏi còn là thăm dò khai thác vàng. Việc này cũng được lãnh đạo xã Thần Sa thừa nhận khi trao đổi với chúng tôi. Đây là việc làm không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên mà về lâu dài sẽ tác động không nhỏ đến quần thể Khu di chỉ khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ: Hang Phiêng Tung, Mái đá Ngườm và một số hang khác nằm cách đó không xa.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Tập, Chủ tịch UBND xã Thần Sa giải thích: "Năm 2009, xã được huyện giao kế hoạch khai thác 9.000m3 cát, 3.000m3 sỏi, đá để phục vụ xây dựng. Ngay sau kế hoạch ấy, UBND xã nhận được đơn của ông Sự xin được khai thác cát, sỏi và đá. Đồng thời, UBND xã cũng nhận được đơn của một số hộ dân đề nghị UBND xã có biện pháp điều chỉnh dòng chảy của sông Thần Sa để không làm sạt lở đất sản xuất…"Với những lý do ấy, xã đã để ông Sự khai thác cát, sỏi ở sông Thần Sa từ đó đến nay.

 

 Vậy là sự bất lực của chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã dẫn đến nạn khai thác vàng trái phép ở Thần Sa - Võ Nhai đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, liền với đó là tệ nạn xã hội, huỷ hoại môi trường đang trở lên nhức nhối. Qua đây, đề nghị các cấp chính quyền địa phương, các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc giải quyết dứt điểm vấn đề nóng bỏng đang được dư luận đặc biệt quan tâm này.