Mùng 6, mùng 7 Tết Kỷ Sửu, một lượng khách rất đông từ các tỉnh đã đổ về Hà Nội chuẩn bị cho ngày làm việc đầu năm mới (thứ Hai-mùng 8). Cánh xe ôm tại các bến xe được dịp tha hồ "chặt chém".
Đó là những người di chuyển bằng phương tiện cá nhân, còn tại bến xe Nam Hà Nội có hàng vạn lượt người đã đổ về trong ngày mùng 6 để tránh ngày Chủ Nhật - mùng 7 (theo câu nói “chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3” - PV).
Một lái xe giấu tên của Công ty Cổ phần xe khách Thái Bình cho chúng tôi hay, chỉ trong một ngày, anh đã kịp chạy “tăng bo” 2,5 vòng tuyến Hà Nội - Thái Bình (gồm 3 lượt Hà Nội - Thái Bình và 2 lượt Thái Bình - Hà Nội). Mỗi chuyến, dù đường đông, anh cũng chỉ chạy hết khoảng hơn 2 tiếng/100 km.
Lượng khách tại đầu Thái Bình chật cứng như nêm, chỉ cần vài phút dừng xe trong bến là đầy khách, không cần phải bắt thêm trên đường đi. Hầu hết, các hãng xe khác chạy tuyến này cũng “tăng bo” cật lực để đáp ứng lượng khách quá tải.
Trưa hôm nay (1/2), chúng tôi tiếp tục có mặt tại bến xe phía Nam (Hà Nội). Lượng khách đổ lên vẫn rất đông, chủ yếu là sinh viên học sinh, cán bộ công nhân viên - những người không kinh doanh, buôn bán nên không cần kỵ ngày.
Ngoài đường Giải Phóng - phía trước cửa bến, lực lượng công an của trạm cảnh sát Bến xe phía Nam phối hợp với công an quận Hoàng Mai khá vất vả làm nhiệm vụ giữ thông đường khu vực này. Tuy nhiên, trước cửa số nhà 971 Giải Phóng (gần lối xe vào bến - PV) vẫn có rất đông xe ôm đứng chờ. Chỉ đợi đèn đỏ gần đó hoạt động là họ lao đến cửa xe khách chèo kéo.
Đi sâu vào bên trong, cánh xe ôm bến Nam Hà Nội càng hoạt động ráo riết. Họ chia làm hai: một số chỉ dám đứng thập thò ngoài cổng bến, đợi khách đi ra. Số còn lại nhảy luôn vào sân bến, khu vực xe ô tô dừng trả khách để giành giựt khách.
Có cảm giác, lượng xe ôm đứng dưới còn nhiều hơn cả hành khách trên xe ôtô. Mặc cho gần đó có những thanh niên tay đeo băng đỏ, cầm dùi cui đi lại; cánh xe ôm vẫn thản nhiên hoạt động: “Áo đỏ, áo trắng…” - la lối giành khách qua cửa kính, ngay khi khách chưa rời chỗ ngồi.
“Tôi phải khó khăn lắm mới xuống được xe, chỉ sợ mất đồ đạc vì bị xe ôm quây kín” - anh Hùng (Đò Quan, Nam Định) phàn nàn. Khách xuống được xe vẫn chưa thoát, đầy rẫy cả sân trước và sân sau bến xe là những cảnh chèo kéo khách đi xe ôm.
Giá cả thì “ma nhìn mặt bắt người” - tuỳ mặt khách mà cánh xe ôm hét giá. Để đi cả trăm km từ Thái Bình lên Hà Nội, hai bạn sinh viên Hoàng- Đức (Vũ Thư, Thái Bình) mỗi người mất 50 nghìn đồng tiền vé ôtô; nhưng để về đến nhà trọ tại Láng Trung mỗi người phải trả thêm 40 nghìn đồng tiền xe ôm. “Đây là giá ngày xuân, đầu năm sinh viên mới lên, tiền nhiều cũng nên xông xênh chứ” - người đàn ông chạy xe ôm thanh minh cho cái giá của mình.
Tại quầy bán vé của bến, theo ghi nhận của chúng tôi, các tuyến từ Hà Nội đi Lai Thành, Kim Sơn, Tam Điệp… (Ninh Bình); đi Quỳnh Côi, Kiến Xương, Đông Hưng (Thái Bình) vắng hoe không có khách.
Trong khi đó, trước quầy bán vé Hà Nội đi các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và miền Nam (như Gia Lai, Buôn Ma Thuật, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh) lại đông nghẹt khách, dù vài năm lại đây xe chạy các tuyến này đều tăng giá từ 40-60% để bù lỗ việc chạy một chiều dịp Tết (tết Kỷ Sửu áp dụng tăng giá vé từ 25/1 cho đến ngày 14/2, ví dụ giá vé giường nằm từ Giáp Bát, Hà Nội- Đà Nẵng tăng từ 260 nghìn đồng/khách lên 350 nghìn đồng/khách).