Thái Nguyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người

15:05, 12/02/2009

Thực hiện Công điện số 214 ngày 10/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ, để ngăn chặn phát sinh dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người, hôm qua (12/02), đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND của UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành, thị, các ngành liên quan của tỉnh khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người. Trong Chỉ thị, UBND tỉnh yêu cầu

Đối với Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị: Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, cơ quan chuyên môn, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn chuyên môn của cơ quan thú y. Người đứng đầu cấp chính quyền, thôn, xóm, cơ quan chuyên môn và các tổ chức phải chịu trách nhiệm nếu chủ quan lơ là để dịch bệnh xảy ra. Quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm trên địa bàn; thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại các đầu mối giao thông chính, kiểm dịch vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm vào địa bàn tỉnh. Xử lý tiêu hủy không hỗ trợ đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ. Triển khai công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng tiêu độc trên phạm vi toàn tỉnh. Phun hóa chất khử trùng với cấp độ cao và tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm đối với vùng trọng điểm chăn nuôi gia cầm, vùng ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, thực hiện tiêu hủy triệt để gia cầm mắc bệnh; công bố dịch theo quy định của pháp luật thú y; thực hiện các biện pháp khoanh vùng ổ dịch, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm xung quanh ổ dịch.

 

Sở Nông nghiệp - PTNT, Chi cục Thú y có trách nhiệm hướng dẫn, các địa phương thực hiện nghiêm túc, các địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch; quản lý tình hình dịch; chẩn đoán xác minh kịp thời, chính xác; tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả, nhất là đối với những vùng chăn nuôi trọng điểm, thường bị xảy ra dịch bệnh.

 

Sở Y tế hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác giám sát dịch tễ; kịp thời phát hiện, tích cực cứu chữa bệnh nhân, ngăn chặn không để dịch xảy ra.

Công an tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Kiểm lâm căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo tỉnh phân công, có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp – PTNT, Sở Y tế trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người...