Bắt đầu từ tháng 3/2009, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) sẽ phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng triển khai việc giám sát chất lượng sữa trên thị trường và xây dựng đề án hậu kiểm về chất lượng sau công bố tiêu chuẩn sản phẩm.
Theo đó, Ban chỉ đạo 127 TW làm đầu mối triển khai, với sự tham gia của các Bộ, ngành (Bộ Công thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Công an và các bộ liên quan) tiến hành kiểm tra, lấy mẫu và xử lý các vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.
Cần thiết, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị để chỉ đạo việc phối hợp xử lý các sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, bao gồm dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu, một số nhóm hàng thực phẩm có nguy cơ cao. Trước mắt, tập trung một số mặt hàng trọng điểm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người.
Bộ Y tế cũng cho biết, một trong những khó khăn gặp phải trong công tác kiểm tra các mặt hàng thực phẩm nói chung và sữa nói riêng là việc theo dõi truy nguyên nguồn gốc nơi sản xuất của các hàng hóa trôi nổi.
Việc truy tìm nguồn gốc nơi sản xuất không dễ dàng như theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, một số trường hợp khi đoàn thanh tra đến kiểm tra tại cơ sở theo địa chỉ ghi trên giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc ghi trên bao bì, nhưng tại các địa chỉ này không có cơ sở thực phẩm như đã ghi trên bao bì hay ghi trong giấy phép.
Ngoài ra, việc xác định hàng giả về nhãn mác, gian lận thương mại, hàng chất lượng kém rất khó khăn, dẫn đến hạn chế kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Bộ Y tế cũng cho biết, tình trạng thực phẩm kém chất lượng lưu hành trên thị trường rất đa dạng và phức tạp. Việc các cơ quan quản lý tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm rất khó khăn. Do đó, cần có biện pháp chế tài thích hợp và đủ mạnh mang tính chất răn đe.