Tin vào y đức

14:16, 26/02/2009

Đối với mỗi con người sự sống là điều quý giá nhất. Trong những trắc trở của cuộc đời, biết người bệnh dù còn xa hay đã gần đến ranh giới giữa sự sống và cái chết đều trông chờ và tin cậy vào người thầy thuốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thầy thuốc Việt Nam: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy cán bộ cần thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, “Lương y phải như từ mẫu”. Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác) đã từng dạy rằng: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công, tuy không có sự báo ứng ngay nhưng để lại ân đức về sau”. Lời răn dạy của các bậc hiền triết mang đậm tính nhân văn.

 

Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, nhiều cán bộ và chiến sĩ ngành Y; quân cũng như dân đã quên cả tính mạng mình để cứu chữa thương binh và bệnh nhân. Tấm gương về đức hy sinh và lòng quả cảm của người thầy thuốc thật đáng trân trọng. Chúng ta từng khâm phục một bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một Hồ Đắc Di, một Đặng Nguyên Ngữ… luôn là niềm tin đối với Bác Hồ và Chính phủ; một y tá Trần Xuân Đậu (Bệnh viện Vân Đình), tập thể cán bộ Bệnh viện tâm thần Thường Tín dũng cảm nhảy xuống sông để cứu bệnh nhân định tự tử… nhiều và nhiều thế hệ y – bác sĩ trên khắp mọi miền đất nước. Mới đây, chúng ta lại một lần nữa học tập tấm gương về nữ bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thùy Trâm; tấm lòng cao cả và đức hy sinh của Đặng Thùy Trâm luôn để lại ấn tượng về một hình ảnh người thầy thuốc cho các bạn trẻ khi muốn gây dựng sự nghiệp cho bản thân bằng thực hành nghề Y phải đặt sự mưu cầu cứu sống người bệnh lên trên mưu cầu giàu sang trong môi trường mang tầm nhân đạo cao cả và đấu tranh gay gắt trong cơ chế thị trường sang giai đoạn mới. Trên một số khía cạnh về y đức,  xin lạm bàn đôi chút nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam.

 

Thứ nhất: Mỗi thầy thuốc phải thường xuyên đọc lại các lời dạy của các bậc tiên hiền và tiền bối như lời dạy của Bác Hồ, Y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác), lời thề của Hy-Pô-Crat… để tự suy ngẫm cách tu dưỡng bản thân theo các lời dạy đó. Có một vị lão thành gợi ý rằng: “Các bệnh viện nên tổ chức cho công chức làm lễ chào cờ tại hội trường vào sáng thứ hai tuần đầu hàng tháng, sau khi hát Quốc ca, một công chức thay mặt toàn thể cán bộ trong bệnh viện đọc lại 12 điều quy định về y đức do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành”. Đó cũng là ý tưởng hay nhằm luôn luôn nhắc nhở công chức thực hiện y đức và thể hiện lới hứa thiêng liêng của công chức ngành y trước Quốc kỳ về thực hiện y đức. Ý tưởng này thiết nghĩ trong khả năng có thể thực hiện được trong tất cả bệnh viện trên phạm vi địa bàn tỉnh nhà.

 

 Thứ hai: Công tác tổ chức có vị trí không kém phần quan trọng. Trước hết, phải coi trọng công tác tổ chức quản lý bệnh viện là khâu then chốt; mọi nguyên nhân có thể phát sinh đều từ trong chính vai trò của người quản lý – người thầy thuốc. Thứ đến, phải không ngừng và thường xuyên chăm lo đào tạo về mọi mặt cho người thầy thuốc “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong xu thế vận động và phát triển.

 

 Thứ ba: Cải cách hành chính mà trước hết cải cách các thủ tục, quy trình trong khám chữa bệnh, trong điều trị và trong các mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân, giữa thầy thuốc với thân nhân bệnh nhân đang là vấn đề đặt ra trong và ngoài bệnh viện – cần được quan tâm đúng mức hơn nữa; phải xây dựng quy trình rất cụ thể và tạo thuận lợi cho việc khám chữa bệnh của bệnh nhân, đặc biệt là khâu thu viện phí, khám bệnh, xét nghiệm, các thủ tục bảo hiểm y tế cho người có thẻ bảo hiểm, khâu miễn phí cho người nghèo… thể hiện y đức của người thầy thuốc.

 

Thứ tư: Mặt trái của cơ chế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo, sự non kém về năng lực (cả quản lý lẫn chuyên môn), sự hạn hẹp về các nguồn lực về tài chính y tế, thiên tai và dịch bệnh luôn là nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh ấy, việc xây dựng và thực hiện đạo đức nghề nghiệp của ngành y tế nước ta cũng chịu những thách thức không nhỏ trong xu thế hội nhập toàn cầu.