TP.HCM: Sốt phát ban đã lan rộng 23/24 quận, huyện

08:01, 26/02/2009

Đến nay, hầu hết các quận, huyện tại TP.HCM đều đã có những ca mắc bệnh sốt phát ban (sởi, rubella...).

BS Lê Hồng Nga, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết như trên tại Hội thảo “Truyền thông phòng chống bệnh sởi và các bệnh sốt phát ban” vào sáng 26/2.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, các ca bệnh sốt phát ban đã xuất hiện ở hầu hết các quận, huyện nội, ngoại thành.

BS Nga nói đã nhận được thông tin từ 23/24 quận, huyện nội, ngoại thành gửi về cho biết đều phát hiện các ca nhiễm bệnh. Huyện Hóc Môn chưa có báo cáo nhưng BS Nga nói có đủ cơ sở khẳng định trên địa bàn huyện này cũng đã có trường hợp nhiễm bệnh sốt phát ban.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng, TP.HCM là nơi có tỷ lệ bệnh cao nhất nước do thành phần dân nhập cư đông, môi trường sinh hoạt, giao lưu chật hẹp tạo điều kiện cho bệnh lây từ người này sang người khác một cách nhanh chóng.

Đối tượng bị nhiễm bệnh tại TP.HCM phần lớn là trẻ em vì khả năng tự bảo vệ và ý thức phòng ngừa lây lan bệnh kém. Môi trường nhiễm bệnh cao là trường học, nơi làm việc…

Hiện nay, các loại bệnh sốt phát ban vẫn chưa có thuốc đặc trị. Một trong những cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là tiêm ngừa vắc xin MMR đối với người lớn và trẻ em (trừ phụ nữ mang thai).

Cách phòng chống các bệnh sốt phát ban
- Cách ly bệnh nhân trong thời gian lây lan bệnh (ít nhất là một tuần từ lúc nổi ban). Nơi cách ly là tại nhà hay bệnh viện; đảm bảo thông thoáng, vệ sinh.
- Tránh tiếp xúc với người khác; phải nghỉ học, nghỉ làm cho tới khi lành bệnh.
- Cần làm vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng, không để chất tiết đường mũi họng bắn ra không khí, sàn nhà, đồ đạc…
- Không nên kiêng gió, kiêng nước, không mặc quần áo dày và dùng vật nhọn để làm vỡ các nốt phỏng nước.