Về xứ Tuyên xem thi trâu kéo gỗ

10:03, 07/02/2009

  Người Tuyên Quang không chỉ tự hào quê hương mình là căn cứ cách mạng, có những di tích lịch sử linh thiêng. Họ còn nhiều thứ khác để hút khách du lịch như Hội thi trâu kéo gỗ…

Trâu "công nhân"

 

Chẳng phải đến giờ ở Tuyên Quang mới có thi trâu kéo gỗ. Ông Lê Thế Hồng, nguyên Giám đốc Lâm trường Tuyên Bình kể lại: "Từ năm 1968, khi lâm trường được thành lập, chúng tôi đã tổ chức hội thi trâu khỏe, trâu đẹp, trâu kéo gỗ rồi. Chuyện này như lẽ tự nhiên vì con trâu gắn liền với người sản xuất. Việc của lâm trường mà không có trâu thì đình đốn hết. Do vậy vào những dịp nông nhàn, hội thi được tổ chức giữa các đội sản xuất nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và tìm phương pháp sử dụng trâu hiệu quả nhất". Trâu được "biên chế" vào lâm trường được tuyển kỹ, toàn loại "sừng cánh ná, da bình vôi, mắt ốc nhồi, tai lá mít", "ức rộng, háng to, cổ cò, đuôi trai, đít nhót", "lưng tôm bà, sừng cánh cung"... lại được huấn luyện nghiệp vụ hẳn hoi. Nhiều khi cả chục công nhân cũng chịu bó tay trước những cây gỗ to nhưng chỉ cần 5 trâu là mọi việc đâu vào đấy.

 

Quãng gần 20 năm lại đây, việc khai thác gỗ ở Tuyên Quang quá đà, đã có lúc chính quyền phải đóng cửa rừng. Công việc của Lâm trường Tuyên Bình cũng ít đi. Hội thi trâu khỏe, trâu đẹp, trâu kéo gỗ cũng không còn.

 

Trâu "vận động viên"

 

Từ bé, ông Trương Đức Tiến, cán bộ phụ trách văn hóa, du lịch của Phòng Văn hóa -Thông tin thị xã Tuyên Quang đã được đắm mình trong tiếng hò reo cổ vũ trâu kéo gỗ. Từ ngày hội thi trâu kéo gỗ của Lâm trường Tuyên Bình không còn, cứ thấy thiếu thiếu cái gì mà không giải thích nổi, ông Tiến vẫn mong có lễ hội nào đó mang tính "đặc sản" Tuyên Quang để càng hút nhiều khách hơn, để người ta nhớ và quay lại Tuyên Quang. Đến một ngày, có người đề nghị ngành văn hóa thị xã cùng tổ chức chọi trâu nhân dịp thị xã Tuyên Quang đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa đối với di tích đền Kiếp Bạc; ngôi đền được nhân dân thị xã dựng lên từ những năm đầu thế kỷ XIX để thờ Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn, ông nghĩ ngay đến việc khôi phục trò thi trâu kéo gỗ dạo nào. Ông bảo: "Chọi trâu là hội của Đồ Sơn - Hải Phòng, Hải Lựu - Vĩnh Phúc nhưng thi trâu kéo gỗ thì đúng là của đất này, không lẫn với đâu. Tổ chức được thi trâu kéo gỗ còn mang ý nghĩa giáo dục với lớp trẻ ở đây, để các em biết rằng trước đây ông cha đã từng sản xuất, khai thác gỗ như thế nào".

 

Trở lại Lâm trường Tuyên Bình, ông nhận được ngay sự hưởng ứng, toàn những trâu thiện chiến, kéo gỗ chuyên nghiệp, từ 8 đến 12 tuổi, nặng từ 5 tạ trở lên được cử tham gia. Lần này quy định thi trâu kéo gỗ cũng quy củ hơn: Mỗi đội có 2 người để dắt trâu chạy dẫn đường và thúc trâu chạy; trâu chạy trên quãng đường 100m với đường chạy rộng 10m, kéo một cây gỗ dài 4m, đường kính 30cm. Trước ngày thi, 2 trâu chọi và trâu kéo gỗ được đưa đến đền để tế. Sau khi thi, trâu chọi vô địch được xẻ thịt làm lễ, riêng trâu kéo gỗ thì không vì còn để phục vụ sản xuất. Kết thúc cuộc thi, trâu về nhất có hơn 30 giây, trâu về cuối là 44 giây. Từng ấy thời gian đủ để người xứ Tuyên nuôi dưỡng ý định về một hội thi trâu kéo gỗ hằng năm bởi họ phấn khích thực sự trước màn thi tài của trâu nhà. Còn bên thi chọi trâu, tiếng là của người Tuyên Quang nhưng nhiều trâu lại có xuất xứ từ Đồ Sơn (Hải Phòng), chẳng khác gì "lính đánh thuê".

 

Hai ngày thi trâu kéo gỗ, trâu chọi đã có tới gần 2 vạn người đổ về SVĐ Tuyên Quang. Khách từ Hải Phòng, Vĩnh Phúc lên đến gần nghìn người mang lại cho giới kinh doanh khách sạn, dịch vụ khoản thu không ít. Phần thi trâu kéo gỗ lại thành công không ngờ, người xem cổ vũ không ngớt.