Với ba ca mắc cúm gia cầm (H5N1) liên tiếp trong thời gian ngắn cùng nhiều tỉnh, thành có dịch cúm trên gia cầm tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nâng cao cảnh giác để chống lại bệnh dịch cúm H5N1.
Các hành động mạnh mẽ từ phía Chính phủ và chính quyền địa phương đã làm giảm dịch ở gia cầm trong các năm gần đây. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm vẫn còn lưu hành tại Việt Nam. Bất cứ khi nào có các vụ bùng phát dịch ở gia cầm, con người chắc chắn chịu nguy cơ lây nhiễm như đã thấy trong các ca mắc ở người gần đây tại Việt Nam.
Cúm gia cầm vẫn không thể dễ dàng truyền sang người, nhưng khi việc lây nhiễm xảy ra, tỷ lệ tử vong là rất cao (xấp xỉ 50%). Virus cúm gia cầm hiện cũng không thể lây lan dễ dàng từ người sang người, tuy nhiên virus cúm được biết là có khả năng biến thể nhanh chóng và có thể thích ứng hơn với con người, gây ra những hậu quả tàn khốc.
"Có một khả năng có thực rằng virus sẽ biến thể và trở nên dễ dàng lây truyền từ người sang người. Nếu điều này xảy ra chúng ta có thể thấy được sự bắt đầu của một đại dịch cúm mới" - Tiến sỹ Olivé nói.
Từ năm 2003 đến nay, đã có 109 ca mắc cúm gia cầm ở người được xác nhận tại Việt Nam. 53 người đã tử vong. Năm 2008 cúm gia cầm làm 5 người chết tại Việt Nam và đến thời điểm này của năm 2009, đã có một ca tử vong được ghi nhận.
Còn về dịch cúm trên gia cầm, theo thông báo của Cục thú y, hiện cả nước có 10 tỉnh là Cà Mau, Sóc Trăng, Nghệ An, Hậu Giang, Quảng Ninh, Quảng Trị, Bắc Ninh, Bạc Liêu, Khánh Hòa và Ninh Bình có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.