80% công nhân tại KCN không có chỗ ở ổn định

16:26, 30/03/2009

Đến thời điểm này, Việt Nam có trên 194 khu công nghiệp, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động trực tiếp và từ 1,2 đến 1,5 triệu lao động gián tiếp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Tuy nhiên, hầu hết các khu công nghiệp đều thiếu nhà ở cho công nhân vì số lượng lao động tăng nhanh trong điều kiện quy hoạch phát triển các khu công nghiệp thiếu đồng bộ.

Qua khảo sát thực tế, với mức thu nhập bình quân hàng tháng của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp chỉ từ 1,2 đến 2 triệu đồng/người/tháng, khoản chi tiêu dành cho nhà ở chỉ ở mức trung bình từ 100.000 - 150.000 đồng/người/tháng nhưng nhiều doanh nghiệp không chủ động lo nhà ở cho người lao động.

Hiện nay, chỉ khoảng 20% tổng số công nhân lao động tại các khu công nghiệp có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê nhà trọ của tư nhân với giá từ 50.000 - 150.000 đồng/người/tháng. Các phòng trọ thuê của tư nhân rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân chỉ từ 2 - 3/m2/người và điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo.

Để đảm bảo quỹ nhà ở phục vụ công nhân, Bộ Xây dựng cho rằng: chủ đầu tư các khu công nghiệp đang trong giai đoạn hình thành phải tổ chức xác định nhu cầu về nhà ở và đất để xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đồng thời phải tổ chức lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân lao động gắn với khu công nghiệp đó. Với các khu công nghiệp đã hình thành, Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân. Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng được phân bổ vào giá thuê đất tại khu công nghiệp.

Cùng với việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân để tạo sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp, Việt Nam phấn đấu đến năm 2015 giải quyết chỗ ở cho 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp .