Sau gần 10 năm thực hiện Tuần lễ Quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (AT-VSLĐ, PCCN), ngày 18/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia về Bảo hộ lao động, AT-VSLĐ đến năm 2010 làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động về AT-VSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp một cách đồng bộ, toàn diện; đặc biệt, ngày 7/5/2008, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 27/2008/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia về Bảo hộ lao động, AT-VSLĐ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008-2010.
Có thể nói, sau khi thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh, Thái Nguyên luôn được đánh giá là một trong số ít những địa phương thực hiện nghiêm, có hiệu quả công tác AT-VSLĐ, PCCN…
Bước sang năm 2008, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thóai kinh tế thế giới, tình trạng lạm phát tăng cao, kéo theo sự tăng giá đột biến của các mặt hàng vật tư, nguyên liệu đầu vào… nhưng công tác Bảo hộ lao động, AT-VSLĐ, PCCN trên địa bàn tỉnh vẫn có những bước chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Công tác quản lý Nhà nước về Bảo hộ lao động, AT-VSLĐ, PCCN đã được quan tâm; các văn bản pháp luật của Nhà nước về công tác Bảo hộ lao động, AT-VSLĐ, PCCN đã được hướng dẫn và triển khai đến các địa phương và doanh nghiệp; công tác thông tin, truyên truyền và chất lượng huấn luyện AT-VSLĐ, PCCN cho người sử dụng lao động, cán bộ theo dõi công tác này và những người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ, PCCN được nâng lên một bước; chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác AT-VSLĐ, PCCN được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các kiến nghị trong kết luận và báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra; các đơn vị đã chủ động mời các trung tâm kiểm định để kiểm định các loại máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về AT -VSLĐ, PCCN và đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động ở địa phương; công tác điều tra các vụ TNLĐ được thực hiện kịp thời, đúng quy định, tìm ra nguyên nhân gây TNLĐ một cách chính xác, đề ra các biện pháp khắc phục hậu quả có hiệu quả…
Tuy đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền và khắc phục những yếu kém trong công tác Bảo hộ lao động, nhưng trong năm 2008, toàn tỉnh vẫn xẩy ra 103 vụ TNLĐ làm 105 người bị nạn. Trong đó có 7 người chết; bị thương nặng 14 người; thương nhẹ 75 người; có 240 người mắc các bệnh nghề nghiệp hiện đang công tác (số vụ TNLĐ đã giảm 36 vụ so với năm 2007)…
Như vậy, bên cạnh những việc đã làm được, công tác AT-VSLĐ, PCCN trên địa bàn trong năm qua vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế như: ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện các quy định về công tác AT-VSLĐ, PCCN ở một số bộ phận người lao động còn hạn chế; người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng và thiếu sự kiểm tra, giám sát; nhiều cơ sở sản xuất vẫn còn hệ thống máy móc, thiết bị lạc hậu, nhà xưởng chật hẹp, tạm bợ, xuống cấp không đủ các tiêu chuẩn về AT-VSLĐ, PCCN, thiếu phương án đảm bảo kỹ thuật an toàn được phê duyệt, nhiều đơn vị thiếu kinh phí để đầu tư cải thiện điều kiện làm việc; hiệu quả sản xuất kinh doanh ở một số đơn vị còn thấp, có đơn vị bị thua lỗ, người lao động không đủ việc làm thường xuyên cũng ảnh hưởng đến công tác AT-VSLĐ, PCCN; ngoài ra, do các cơ quan quản lý Nhà nước chưa đủ khả năng kiểm soát được 100% khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa nên công tác bảo đảm AT-VSLĐ, PCCN chưa được quan tâm triệt để.
Để khắc phục những mặt hạn chế và chấp hành đúng các quy định của pháp luật về Bảo hộ lao động, ngăn ngừa nguy cơ gây TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và công dân, Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ, PCCN tỉnh đã lấy chủ đề năm 2009: "Nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm và tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong công tác AT-VSLĐ, PCCN" và chú trọng một số giải pháp: Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác bảo hộ lao động, thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật về kỹ thuật AT-VSLĐ, PCCN trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật Bảo hộ lao động cho các doanh nghiệp và người lao động, củng cố hoàn thiện tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác AT-VSLĐ, PCCN tại các doanh nghiệp; tăng cường công tác huấn luyện về AT-VSLĐ, PCCN cho người sử dụng lao động và những người làm công tác Bảo hộ lao động; tiến hành kiểm định và đăng ký 100% các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ, PCCN theo quy định; tăng cường cải thiện điều kiện làm việc và trang bị bảo hộ cá nhân tới 100% người lao động, giảm bớt tình trạng mắc bệnh nghề nghiệp; các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động phải xây dựng chương trình, kế hoạch và đầu tư kinh phí cho công tác Bảo hộ lao động, coi công tác AT-VSLĐ, PCCN là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; phấn đấu giảm thiểu các vụ TNLĐ và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNLĐ nghiêm trọng… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.